Trong Kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM có 6 dự án PPP lĩnh vực đường bộ với quy mô vốn hơn 65.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Hàng trăm dự án cần triển khai
Việc xây dựng Kế hoạch hành động nhằm quản lý phát triển đô thị theo định hướng thông minh, sáng tạo và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực phía Đông Thành phố. Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo. Cụ thể, Sở sẽ lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực này.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn đường Vành đai 3; bổ sung xây dựng cầu Cát Lái; quy hoạch kết nối đường Long Phước với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đồng thời, trên cơ sở Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 để xem xét ưu tiên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Cụ thể, đầu tư khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực: Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu…; các cầu lớn vượt sông như: cầu Thủ Thiêm 3, 4, các cầu kết nối khu bán đảo Thanh Đa; các nút giao thông chính chống ùn tắc như: An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức…
TP.HCM sẽ phát triển tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như Metro số 1, kéo dài tuyến Metro số 1, giai đoạn 2 của tuyến Metro số 2, Metro 3B, các tuyến đường sắt quốc gia như tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành…
Tại Khu đô thị sáng tạo phía Đông, Thành phố sẽ phát triển logistics, cảng biển và cảng ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình…
Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tại Khu đô thị sáng tạo phía Đông, cần đầu tư đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng (mở rộng mạng lưới xe bus, đầu tư hệ thống xe bus nhanh BRT). Đồng thời, phát triển mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe bus sông) để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn.
Vốn từ đâu?
Danh mục các dự án hạ tầng giao thông do Sở Giao thông vận tải trình trong Kế hoạch hành động được chia thành nhiều lĩnh vực và giai đoạn.
Cụ thể, các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 trong lĩnh vực đường bộ gồm 16 dự án, quy mô 3.870 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2030 lĩnh vực đường bộ gồm 5 dự án với quy mô vốn 15.815 tỷ đồng. Trong khi đó, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư còn lại giai đoạn 2021 - 2030 trong lĩnh vực này lên tới 46 dự án. Đó là chưa kể các dự án vận tải hành khách công cộng, vận tải thủy, nạo vét kênh mương…
Tổng hợp nhu cầu vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM trong tất cả các lĩnh vực là 182.910 tỷ đồng cho giai đoạn 2020 - 2025 và 118.213 tỷ đồng cho giai đoạn 2025 - 2030.
Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2025, vốn ngân sách TP.HCM sẽ phải huy động 68.516 tỷ đồng, vốn khác là 114.394 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2025 - 2030, vốn ngân sách thành phố sẽ phải chi 14.730 tỷ đồng, vốn khác là 103,483 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn huy động cho các dự án hạ tầng giao thông Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP.HCM không có sự dịch chuyển lớn giữa các nguồn. Cụ thể, cả hai giai đoạn, phần vốn khác luôn chiếm tỷ lệ cao hơn, áp đảo so với phần vốn ngân sách nhà nước dự kiến. Đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh ngân sách TP.HCM hàng năm chi cho đầu tư hạ tầng giao thông đều không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Trong kế hoạch hành động này của TP.HCM, danh mục dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2021 - 2030 lĩnh vực đường bộ được công bố gồm 6 dự án với quy mô vốn hơn 65.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên kêu gọi khu vực tư nhân tham gia gồm: cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch); Quốc lộ 13 đoạn nội thành - ngã tư Bình Phước; cầu Cát Lái…
“Trong thời điểm Luật PPP sắp có hiệu lực, các quy định, hướng dẫn về đầu tư theo phương thức này đang dần hoàn thiện, TP.HCM coi đây là động lực rất lớn để kêu gọi khu vực tư nhân tham gia hiệu quả hơn, bài bản hơn vào các dự án hạ tầng giao thông cho Thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định.