VN-Index có vài nhịp nỗ lực quay lên tham chiếu, nhưng không thành công. |
Nhóm cổ phiếu blue-chips nỗ lực cải thiện giá chiều nay nhưng hiệu quả đem lại không rõ ràng. Độ rộng trong nhóm VN30 tốt hơn buổi sáng nhưng cơ bản là dòng tiền quá yếu nên các mã trồi sụt giằng co triệt tiêu sức mạnh lẫn nhau.
Có thể thấy rõ nhất sự phân hóa trong vùng giảm giá ở rổ VN30. Nhóm này chiều nay ghi nhận 13 cổ phiếu tăng giá cao hơn phiên sáng, nhưng cũng tới 12 mã tụt giá thấp hơn. Chỉ số VN30-Index cuối phiên sáng giảm giảm 0,49% với 5 mã tăng/21 mã giảm. Kết phiên, chỉ số này giảm 0,51% với 9 mã tăng/21 mã giảm.
Sự giằng co triệt tiêu sức mạnh lẫn nhau là nguyên nhân khiến độ rộng có vẻ tốt lên, nhưng điểm số lại kém. Ví dụ VCB và VNM là hai trụ lớn có cải thiện khá rõ nét trong buổi chiều: VCB tăng 0,41% so với giá cuối phiên sáng, VNM tăng 0,97% thì CTG tụt sâu hơn 0,75%, GAS tụt 0,3%, VPB giảm thêm 0,54%. Các mã có cải thiện giá không đủ lớn và không đủ nhiều để thay đổi cục diện vốn hóa.
VN-Index có quá nửa thời gian buổi chiều cố gắng tìm lại tham chiếu. Lúc 2h10 chỉ số chỉ còn thiếu chưa tới 3 điểm nữa là chạm tới mức này. Tuy nhiên vì có các trụ lớn lại yếu thêm, nên đóng cửa VN-Index mất 6,26 điểm tương đương 0,52%.
Phân bổ biến động giá chiều nay hầu như không có thay đổi so với phiên sáng. Cuối phiên sáng VN-Index có 90 cổ phiếu giảm trên 2% và 75 mã giảm trên 1%. Lúc đóng cửa, số mã giảm trên 2% vẫn là 88 mã và số giảm trên 1% là 75 mã. Độ rộng tổng thể cuối ngày cũng vậy, HoSE ghi nhận 127 mã tăng/321 mã giảm.
Thị trường “cầm cự” và không giảm nhiều hơn có thể xem là một thành công trong bối cảnh dòng tiền vào rất ít. Giao dịch tại HoSE buổi chiều tụt xuống dưới 4 ngàn tỷ đồng, thấp nhất 11 phiên. VN30 giao dịch chưa tới 1,4 ngàn tỷ. Giao dịch thấp như vậy cũng có biểu hiện tích cực là lực bán không nhiều, vì độ rộng rất hẹp tức là người bán đã lùi hẳn giá xuống dưới ngưỡng tham chiếu.
Các mã kiềm chế VN-Index cuối ngày vẫn là những trụ yếu từ sáng: GAS giảm 2,88%, GVR giảm 2,98%, VPB giảm 1,78%, MWG giảm 1,86%, HPG giảm 1,35%, CTG giảm 1,12%. Phía tăng VIC vẫn là khỏe nhất, nhưng thực ra mức tăng 1,2% so với tham chiếu là đứng im từ sáng. VNM và VCB là hai trụ có tiến triển, chốt phiên tăng tương ứng 1,25% và 0,55%.
Một số cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng giá tốt và thu hút thanh khoản ấn tượng. |
Nhóm tăng giá cũng không có gì đặc biệt, đa số vẫn là những cổ phiếu tốt từ sáng. Vài trường hợp khá nổi bật và bất ngờ có thể kể tới HCM, HNG, VCI... thu hút dòng tiền tốt và giá nhảy mạnh. HCM từ khoảng 1h30 trở đi tăng bùng nổ từ 24.300 đồng lên tận 26.200 đồng lúc 2h09, trước khi tụt lại 25.750 đồn lúc đóng cửa. Biên độ tăng cao nhất của HCM tới 6,29% so với tham chiếu và chốt ngày tăng 4,46%. Lượng giao dịch của HCM tăng 61% so với phiên trước. VCI cũng tăng 1,58%. HNG từ sáng đã mạnh, tăng 2,34% và chốt phiên tăng 6,71%.
Chiều nay khối ngoại tăng bán nhẹ 368,2 tỷ đồng trong khi mua vào 358,4 tỷ đồng. Thay đổi này làm hụt đi mức mua ròng của buổi sáng, còn 154,9 tỷ đồng cả ngày. FPT, MWG vẫn là các mã được mua ròng mạnh từ sáng. VNM, LPB, SSI, DGC và GEX cũng vậy. Phía bán có HPG, DPM và VHM là 3 mã duy nhất trên 10 tỷ đồng ròng.
Thị trường giao dịch cầm chừng với thanh khoản cực kỳ thấp vẫn là trạng thái kéo dài nhiều tuần gần đây. Tuy vậy hôm nay cả hai sàn niêm yết khớp lệnh tụt xuống dưới mốc 10 ngàn tỷ đồng là kém nhất 12 phiên. Kể từ đầu năm đến nay HoSE và HNX chỉ có 5 phiên giao dịch khớp lệnh nhỏ hơn 10 ngàn tỷ, thì đều xuất hiện trong 5 tuần trở lại đây, là giai đoạn VN-Index luẩn quẩn mãi quanh vùng đáy.