Ảnh minh họa |
Theo ông, nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước không thiếu, thị trường vốn Việt Nam khá lớn, các hình thức, phương án đầu tư cũng không thiếu, quan trọng nhất vẫn là cơ chế chưa đầy đủ để khơi thông, thu hút nguồn vốn này.
Con đường nhiều barie
Tại Đối thoại cấp kỹ thuật lần thứ nhất trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác phát triển về PPP diễn ra mới đây, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các chuyên gia quốc tế về PPP đều thống nhất quan điểm tuy chưa có Luật về PPP nhưng quy định điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư PPP bao gồm quy trình, thủ tục chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư PPP đã đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thực tế, thông qua mô hình đầu tư PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng, với hơn 1.293.674 tỷ đồng đã huy động được thông qua 289 dự án PPP. Từ đó góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra, tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng thu hút đầu tư PPP chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nếu không có cơ chế đột phá sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Trong đó có nguyên nhân từ sự chồng chéo giữa các luật và thiếu quy định rõ ràng về cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án PPP.
Ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, cho rằng với nhu cầu thu hút đầu tư rất lớn, con đường để kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án PPP đáng lẽ phải trải thảm đỏ, tuy nhiên không những chưa trải thảm, mà còn nhiều barie, rào cản do vướng bởi các luật. Theo ông Dũng, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án. Tuy nhiên, nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án PPP chịu sự điều chỉnh của các Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đối với việc sử dụng vốn NSNN tham gia dự án PPP, Luật Đầu tư công liên quan đến vốn đầu tư công trong dự án PPP, Luật Doanh nghiệp đối với hoạt động của doanh nghiệp dự án, Luật Xây dựng... Quy định về hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với các dự án PPP như cơ chế bảo đảm, bảo lãnh còn chung chung...
Ông Dominic Scriven thì khái quát rằng chừng nào còn cơ chế xin cho, với nền kinh tế thị trường non trẻ thì không nên ngạc nhiên về vấn đề PPP còn chậm phát triển.
Tư duy quản lý phải vì lợi ích chung
Trên nhiều diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp nhiều lần gửi đi mong muốn Luật PPP cần được nghiên cứu, xây dựng để sớm ban hành trong thời gian tới nhằm có hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý thực hiện dự án PPP.
Đại diện cho ý kiến của Nhóm cơ sở hạ tầng Diễn đàn Doanh nghiệp, đồng thời từ kinh nghiệm tư vấn nhiều hợp đồng BOT, ông Nguyễn Vũ Quỳnh Lâm, Luật sư Công ty Luật Vilaf – Hồng Đức cho rằng, chủ trương xây dựng Luật PPP là rất đúng đắn. Quy định hiện hành ở tầm nghị định của Chính phủ có hạn chế nhất định, nhất là khi bị điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau và thường có thay đổi, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án. Góp ý vào xây dựng Luật, ông Lâm đề xuất Luật PPP nên xem xét quy định rõ quyền, trách nhiệm của bên cho vay, vì vốn vay chiếm tới 80% tổng mức đầu tư dự án.
Ông Alex Wong, Công ty Luật Ernst&Young cũng đánh giá cao việc xây dựng Luật PPP và khuyến nghị cần có quan điểm cân bằng, hài hòa trong chính sách về PPP. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy lựa chọn nhà đầu tư dựa trên yêu cầu đầu vào như hiện nay, thay vào đó là lựa chọn theo tiêu chuẩn đầu ra.
Từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo Luật PPP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, chia sẻ, qua thực tiễn triển khai, nghiên cứu, tham vấn rộng rãi, những khó khăn, thách thức để triển khai PPP tại Việt Nam đã được Bộ KH&ĐT nhận diện và đang xây dựng các giải pháp để đưa vào Luật PPP. Tuy nhiên, sẽ khó có được một Luật PPP giải quyết được những vướng mắc hiện nay nếu các bộ, ngành không thống nhất về tư duy quản lý. Đó là xây dựng Luật PPP để tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng, tạo cơ chế thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân, vì lợi ích chung, sự phát triển của đất nước, thay vì tư duy quản lý cục bộ, chỉ giữ cho hoạt động quản lý của ngành mình, bộ mình.