Không nên "tước" quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Không nên quy định chấm dứt quyền sở hữu khi thông báo phá dỡ nhà chung cư”, đó là một trong những kiến nghị mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng để góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cần thiết phải quy định “xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn”
Cần thiết phải quy định “xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn”

Theo HoREA, Điều 25, Điều 26 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tuy đã không còn sử dụng các khái niệm gây tranh cãi như “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, hoặc “gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư” như trong các dự thảo trước đây, nhưng lại thay thế bằng các quy định về “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” hoặc “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý”, hoặc “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, xét về bản chất, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn giữ nguyên quan điểm “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, nên rất cần phải được tiếp tục xem xét thận trọng các quy định này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đa số người dân mong muốn được “sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” và để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, không làm phát sinh “tâm lý bất an” trong xã hội.

HoREA cho hay, hiện nay, cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP.HCM có hơn 1.569 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà - tương đương hàng trăm nghìn căn hộ nhà chung cư, trong đó có 474 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975. Nếu các quy định nói trên không được sửa đổi, không những không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đa số người dân mua căn hộ nhà chung cư mà còn chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Tại buổi công bố báo cáo triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 14/2/2023, bà Dương Thùy Dung (CBRE Việt Nam) cho biết, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc chung cư nói riêng hiện được chi phối bởi 9 Luật và 20 văn bản dưới luật nên gây ra rất nhiều sự chồng chéo. "Đó chính là những gọng kìm làm cho thị trường bất động sản đã khó càng khó hơn. Cho nên hy vọng các dự thảo Luật sửa đổi lần này liên quan đến thị trường bất động sản cần có sự cởi trói và đột phá", bà Dung nhận xét.

Mặc dù chỉ mới là dự thảo, nhưng theo các chuyên gia của CBRE, những thông tin sửa đổi nói trên đã có sự ảnh hưởng nhất định đến tính thanh khoản của thị trường căn hộ trong thời gian qua, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh các tác nhân gây nhiều trở ngại tới sự phục hồi của thị trường bất động sản thời gian qua gồm: đấu giá đất ở Thủ Thiêm với giá cao kỷ lục rồi bỏ cọc; FLC bị điều tra vì cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán; Tân Hoàng Minh bị điều tra do gian lận về phát hành trái phiếu; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết tín dụng đối với thị trường bất động sản, thì việc giới hạn thời gian sử dụng nhà chung cư cũng “nặng ký” không kém.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, HoREA và các chủ đầu tư dự án chung cư đề nghị, Chính phủ và Bộ Xây dựng nên chọn “Phương án 2” không quy định “chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo phá dỡ nhà chung cư” hoặc “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu” của “Phương án 1”, nhưng vẫn cần thiết phải quy định “xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn” và “các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư” tại Điều 25 và Điều 26 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

“Nếu làm theo hướng này sẽ bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp 2013, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đa số người dân và để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, tránh những bất an, dao động không đáng có”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Chuyên đề