Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2018 và nửa thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) nước ta tiếp tục đà chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước, đạt những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2018 ước hoàn thành và vượt 12/12 chỉ tiêu KTXH. Kết quả của năm 2018 và giai đoạn 2018- 2020 là những nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016- 2020 và cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bước vào năm 2018 - năm “bản lề” của giai đoạn 2016- 2020, tình hình thế giới vẫn tiếp tục xu hướng phức tạp của những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, ngay khi bước vào năm kế hoạch 2018, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được của năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm 2018. Hội nghị đã vinh dự được đón các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội tới dự, chỉ đạo; đặc biệt đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về tổng kết năm và triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm tới.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay ngày đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 01 của Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ, hiệu quả chín nhóm với 56 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể phát triển KTXH trên cơ sở bám sát các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.
Với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân đã nỗ lực cố gắng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện. Nhờ đó, tình hình KTXH sau ba quý của năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố, các động lực tăng trưởng được phát huy, dự kiến tất cả các chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Cụ thể, KTVM nước ta tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Kết quả nổi bật nhất là lạm phát được kiểm soát liên tiếp trong năm thứ 3 của giai đoạn 2016- 2020, CPI luôn duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm và cải thiện tích cực so năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,98%, cả năm dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5,5 triệu tỷ đồng (tương đương 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so năm 2015. Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018 ước đạt 42,18% (giai đoạn 2011-2015 đạt 33,58%), năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng 5,62%, cao hơn mức tăng của các nước ASEAN và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao.
Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực, với nhiều nhân tố mới. Điểm nổi bật là cả ba khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ; trong đó, nông nghiệp 9 tháng tăng 3,65%, cao nhất so cùng kỳ kể từ năm 2012, nhờ chuyển biến hiệu quả của quá trình cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất và sản phẩm gắn liền với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong nhiều năm qua.
Như vậy, cả nước đang thực hiện hiệu quả và dự báo sẽ thành công “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc; củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội...
Nhiều tổ chức quốc tế cũng tin tưởng vào thành công của chúng ta và đã có những dự báo tích cực đối với Việt Nam: Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay sẽ là 6,8%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục dự báo khoảng 6,9%; Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ “BB-” lên “BB” với triển vọng ổn định…
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp những thách thức từ bên ngoài. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất (Mỹ đã tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và dự kiến từ giờ đến cuối năm sẽ tăng thêm một lần nữa), xu hướng tăng giá dầu thô và việc thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế được nâng lên nhưng khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hoá DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ, ngành và địa phương còn chậm...
Nhìn chung, mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.