Khởi động Dự án Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thuộc bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc. Đây là bước khởi đầu quan trọng giúp hình thành một trong những dự án cao tốc đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 4.770 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, kế hoạch lựa chọn nhà thầu bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án gồm 3 gói thầu tư vấn. Đầu tiên là Gói thầu 03 Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu vào tháng 4/2022. Theo đó, Trung tâm Tư vấn Môi trường và Phát triển nông thôn trúng thầu với thời gian thực hiện hợp đồng 53 ngày.

Cùng thời gian này, Liên danh Công ty CP Tư vấn Trường Sơn - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình 625 trúng Gói thầu 01 Tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), lộ giới đường bộ. Gói thầu có giá 14.949.067.000 đồng, Liên danh trúng thầu với giá 14.628.393.000 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 5 tháng.

Nhà thầu Công ty CP Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải phía Nam trúng Gói thầu 02 Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Chi phí cho công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án được phê duyệt là 22,2 tỷ đồng, sử dụng vốn đối ứng trong nước.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tiến độ triển khai lựa chọn nhà thầu cả 3 gói thầu tư vấn bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đảm bảo đúng tiến độ. Việc thực hiện hợp đồng của các nhà thầu đang được Ban quyết liệt theo sát để đầu tháng 8/2022 hoàn thành hồ sơ bước báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ cắm mốc GPMB. Theo đó, đến tháng 10/2022 sẽ triển khai cắm cọc GPMB ngoài hiện trường. Mọi công tác liên quan đến lập HSMT các gói thầu xây lắp lớn, tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ thực hiện trong quý IV/2022 để Dự án có thể khởi công trong năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026.

Trước đó, tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Theo đó, Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đồng thời, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững; bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực.

Dự án có chiều dài 26 km, quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự kiến, tổng vốn thực hiện Dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị. Phần vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng, sử dụng để thanh toán thuế VAT, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước như: chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật...

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, việc xây dựng mới đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh là hết sức cần thiết để kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Cà Mau cũng như cao tốc Chơn Thành - Rạch Giá (Rạch Sỏi - Kiên Giang).

Chuyên đề