Dự án Việt Hưng được Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam chào bán với xác nhận đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý |
Theo đó, PVCR cần chuyển nhượng quyền sở hữu khối Chung cư 18T1 (nằm trong khối 3 tòa Chung cư 18T là: 18T1, 18T2, 18T3 có tầng hầm liên thông) và 30% tầng hầm liên thông thuộc Dự án Việt Hưng. Diện tích xây dựng được phê duyệt là 1.138 m2; dự án đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý – Thông báo của PVCR cho biết.
Mức giá 50,8 tỷ đồng?
Khác với các thông báo chào bán thông thường, thông báo của PVCR không đưa ra mức giá khởi điểm. Theo đó, tổ chức, cá nhân quan tâm liên hệ với chủ đầu tư tìm hiểu thông tin và tự chào giá mua của mình gửi đến chủ đầu tư. Chủ đầu tư sẽ hồi âm sau 5 ngày kể từ ngày nhận được chào giá. Thời hạn nhận đơn chào giá chậm nhất vào 20/1/2017.
Được biết, chủ đầu tư Dự án Việt Hưng là Liên danh PVCR và Công ty CP Đầu tư NNP với tỷ lệ góp vốn tương đương 30% - 70%. Liên lạc với số điện thoại được công bố, phóng viên Báo Đấu thầu đã được đại diện PVCR xác nhận thông tin nói trên.
Trên thực tế, từ đầu tháng 6/2016, trong tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2016, HĐQT Công ty cho biết sẽ tìm đối tác chuyển nhượng Dự án Việt Hưng với giá bán khoảng 50,8 tỷ đồng, dùng nguồn vốn này đầu tư tập trung cho Dự án CT10-11 Văn Phú. Nguyên nhân chuyển nhượng Dự án là căn cứ thực trạng về nhân sự quản lý của Công ty cũng như trình độ chuyên môn, năng lực tài chính hiện nay không thể thực hiện được Dự án.
Đại diện PVCR cho biết, mức giá 50,8 tỷ đồng ĐHĐCĐ đã thông qua là mức giá tối thiểu. Mức giá thực tế của Dự án sẽ do thị trường quyết định.
Về phía PVCR, tháng 5/2016, Công ty đã thay người đại diện tại Dự án Việt Hưng từ ông Đỗ Quốc Phương sang ông Nguyễn Đức Hải. Tuy nhiên, sau đó nửa năm, ông Nguyễn Đức Hải đã có đơn xin nghỉ việc và được miễn nhiệm toàn bộ chức vụ đang nắm giữ tại PVCR. Những biến động nhân sự tại Dự án Việt Hưng cũng phần nào cho thấy những “lúng túng” mà PVCR gặp phải khi triển khai dự án này.
Căn cứ Báo cáo bán niên soát xét năm 2016, tính đến cuối quý II/2016, chi phí sản xuất dở dang của Công ty tại Dự án Việt Hưng – lô chung cư là 41,5 tỷ đồng.
Tình hình tài chính u ám
Nguyên nhân thua lỗ năm 2015 được Công ty xác định do Dự án Văn Phú đang trong giai đoạn đầu tư nên chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, PVCR cũng đồng thời phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư vốn 14,7 tỷ đồng, phải thu khó đòi 4,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 7,2 tỷ đồng.
Một trong những giải pháp được đưa ra năm 2016 là tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án Văn Phú, đẩy mạnh công tác quảng cáo, bán hàng, xây dựng tiến độ thu tiền hợp lý để đảm bảo dòng tiền tiếp tục đầu tư Dự án. Có thể thấy, dòng tiền đầu tư dự án là “điểm yếu” của PVCR trong giai đoạn này. Việc bán Dự án Việt Hưng có thể là cứu cánh của PVCR. Tuy nhiên, mức giá cả kỳ vọng của Công ty sẽ do thị trường đánh giá. Hơn nữa, năm 2016 đã qua, Công ty mới bắt đầu chào bán Dự án, việc tiếp tục thua lỗ năm 2016 là điều có thể dự đoán trước.
Ngoài Dự án Văn Phú, Dự án Việt Hưng, PVCR cũng dính “lùm xùm” xung quanh khoản đầu tư kém hiệu quả tại Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An trị giá hơn 200 tỷ đồng nhưng chưa thể chuyển nhượng.
Tình hình kinh doanh bế tắc, vướng nhiều rắc rối liên quan đến các khoản đầu tư, cổ phiếu PVR của PVCR cũng giao dịch cực kỳ èo uột với mức giá “trà đá” – 2.200 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch 6/1/2017).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu