Khát vọng hùng cường

(BĐT) - “Nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới thì đó nên là Việt Nam. Đã đến lúc đất nước phải bước ra và chiếm lấy vị trí dưới ánh mặt trời” -  bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định tại Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng”, tổ chức tại Paris, Pháp hồi tháng 3/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiếp nhận chiếc búa tượng trưng cho chức Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: VGP

Có lẽ khát vọng về một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế cho Việt Nam không chỉ là của riêng bà Ninh và không chỉ ở thời điểm hiện tại mà điều đó luôn nằm trong huyết quản của người Việt được truyền nối qua nhiều thế hệ. Chỉ có điều, ở thời điểm hiện tại, khát vọng hùng cường cho Việt Nam trở nên mạnh mẽ, thôi thúc, khi nhiều điều kiện của chúng ta đã chín muồi.

Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua, có thể thấy, từ một thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu trước Cách mạng Tháng Tám, không có tên trên bản đồ thế giới, rồi tiếp đó trải qua mấy chục năm bị chia cắt, chiến tranh tàn phá, đến nay đất nước ta đã giành được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất, thuộc nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình của thế giới, đời sống người dân ngày càng đi lên. Năm 2019 khép lại với những thành tựu kinh tế chưa từng có. Đó là xuất nhập khẩu lần đầu vượt 500 tỷ USD, xuất siêu thiết lập kỷ lục ở mức 9,94 tỷ USD, dự trữ ngoại hối lên tới hơn 79 tỷ USD. Mức tăng trưởng GDP đạt 7,02% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Kể từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986, đến nay Việt Nam đã trở thành đối tác cởi mở và tin cậy của thế giới trên nhiều phương diện. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận 2 trọng trách lớn: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Những thành tựu về kinh tế - xã hội cũng như vị trí trên trường quốc tế cho thấy thế và lực của đất nước đang đi lên. Điều này là hệ quả tất yếu của một quá trình tích lũy bằng đổi mới kinh tế, phát triển xã hội cũng như tích cực hội nhập quốc tế trong hàng chục năm qua. Đó là hành trình đi lên của khát vọng, hành trình của những nỗ lực không biết mệt mỏi.

Mặc dù còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng thế và lực của đất nước hiện nay khiến chúng ta có thể tự tin đi tới với khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 - mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Câu hỏi đặt ra là, muốn xây dựng một quốc gia hùng cường thì phải bắt đầu từ đâu? Mỗi đất nước muốn phát triển cần xác định đúng, huy động được những lợi thế, tài nguyên của mình. Vậy tài nguyên quyết định nhất cho sự phát triển hùng cường, bền vững của Việt Nam ta tại thời điểm này là gì? Có thể khẳng định, đó chính là con người. Trong quá khứ, vào những năm tháng thử thách cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trọn vẹn niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”. Niềm tin vào con người, vào nhân dân - đó là một niềm tin vô cùng đúng đắn, bền vững và đầy tính nhân văn.

Ngày nay, lòng yêu nước, niềm tin vào sức sống mãnh liệt, trường tồn của dân tộc, kết hợp với trí tuệ, sự nỗ lực phấn đấu, khát vọng vươn lên của mỗi con người Việt Nam sẽ là nguồn năng lượng sung mãn cho sự phát triển của đất nước trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Chuyên đề