Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong khoảng 4 ngày, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Nhóm vấn đề thứ nhất là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Một là, về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các mục tiêu các định hướng lớn và nội dung lớn trong Đề cương giám sát để cho ý kiến toàn diện cả về báo cáo, dự thảo Nghị quyết, những vấn đề quan trọng trình Quốc hội xem xét quyết định để tạo điều kiện và làm căn cứ tạo ra một bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022. Đây là những báo cáo thường niên hàng năm liên quan đến lĩnh vực về tư pháp, đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án để chuẩn bị một bước để trình ra Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 15 |
Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022. Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này gắn liền với chuyên đề giám sát mà Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét tại phiên họp này là về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo công tác dân huyện hàng tháng.
Bốn là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.
Năm là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán 2023 của Kiểm toán Nhà nước.
Sáu là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đến nay công tác chuẩn bị đang được triển khai tích cực.
Nhóm vấn đề thứ hai là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung xem xét các vấn đề theo thẩm quyền.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với 2 chuyên đề là “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021" và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021". Ngoài ra, nội dung thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xem xét báo cáo công tác dân nguyện trong tháng 8/2022.