Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp |
Báo cáo tình hình KT-XH năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 của Chính phủ khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Ước thực hiện cả năm đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch; mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Điều quan trọng là nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc; củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, thể hiện ở mức độ tăng trưởng rất cao tất cả các mặt như: Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đăng ký thành lập doanh nghiệp, khách quốc tế đến Việt Nam... Đây là tiền đề tốt, tạo đà phát triển nhanh, bền vững cho những năm tiếp theo, cụ thể là tạo dựng được sự vững tâm và tự tin hơn để bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên UBTVQH nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Đánh giá, về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch, các ý kiến cho rằng đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
“Đây là năm khởi sắc thực sự và có rất nhiều tiến bộ, rất thuyết phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì cho rằng, “Báo cáo KT-XH 2017 của Chính phủ rất rõ, các số liệu rất ấn tượng; điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực, song KT-XH còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục như việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm.
Với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, thì một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra cần phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực...
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước thực hiện sẽ đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4-7,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2017 chịu nhiều tác động bởi tình hình; rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, các yếu tố cảnh báo về thiên tai, bão lụt vẫn hiện hữu là thách thức lớn đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Báo cáo làm rõ những điều kiện, yếu tố dẫn đến các kết quả cao trong phát triển KT-XH, đồng thời nêu rõ những yếu tố, nguồn lực nào để bảo đảm cho tăng trưởng 6,7% của năm 2017.
Nhấn mạnh, trên cơ sở các kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ; dự báo các khó khăn để đề ra các giải pháp, phương án tối ưu trong thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017 cũng như trong xây dụng kế hoạch KT-XH năm 2018.
Toàn cảnh phiên họp của UBTVQH
Tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Một số ý kiến đề nghị, năm 2018 phải có các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, mang tính đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu... Đồng thời thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện động bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.
Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018, nhiều ý kiến đánh giá, ước thực hiện thu NSNN cả năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành của Chính phủ và quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao của ngành tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động không thuận như giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp, tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện, tình trạng nợ đọng thuế tuy được khắc phục một phần nhưng vẫn có xu hướng tăng...
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách Trung ương khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách Trung ương có khả năng hụt thu. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương khó được bảo đảm, mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn.
Các thành viên UBTVQH đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu, tiết kiệm chi, cân đối thu chi ngân sách, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư;...