Kết nối giao thông tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vùng Tây Nguyên đang được định hướng trở thành vùng dẫn đầu cả nước về chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng sinh thái; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước và khu vực… Một trong những giải pháp quan trọng nhận được sự đồng thuận cao là tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho phát triển Vùng.
Hạ tầng giao thông dùng chung trong vùng Tây Nguyên chưa đạt yêu cầu cho phát triển. Ảnh: Phan Nguyên
Hạ tầng giao thông dùng chung trong vùng Tây Nguyên chưa đạt yêu cầu cho phát triển. Ảnh: Phan Nguyên

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm vừa qua, song nhìn chung vùng Tây Nguyên vẫn còn là vùng kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chia sẻ, việc phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên vẫn chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp (quy mô còn nhỏ và đặc trưng phụ thuộc vào tự nhiên), ít chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Công nghiệp, dịch vụ chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Liên kết thị trường nội vùng, với các khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ) và quốc tế còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nét nhất là việc kết nối hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành, các địa phương trong vùng Tây Nguyên hiện mới chỉ có kết nối giao thông nội vùng bằng đường bộ và có thêm hệ thống hàng không. Tuy nhiên, những kết nối này vẫn còn rất hạn chế, chi phí logistics cao, làm mất đi nhiều cơ hội cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của Vùng.

Tại Dự thảo Định hướng sắp xếp phân bổ không gian vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT đề xuất phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng dẫn đầu của cả nước về chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng sinh thái; phát triển không gian kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước và khu vực... Trong đó, riêng về hạ tầng giao thông, cần tập trung ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch; nâng cấp các sân bay đạt tiêu chuẩn có chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển cao tốc nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Nam Trung Bộ; hình thành trung tâm đầu mối đa phương thức, logistics hiện đại.

Góp ý cho Dự thảo trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhấn mạnh tính kết nối giữa các địa phương trong Vùng. Ông Hiệp cho rằng, hạ tầng giao thông dùng chung nội vùng vẫn chưa đạt yêu cầu cho phát triển, tính kết nối rất yếu kém. Do đó cần tư duy chiến lược trong kết nối hạ tầng giao thông để 5 địa phương vùng Tây Nguyên có thể phát triển thành một khối thống nhất.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải đề xuất, kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trung bình hàng năm đạt 3,5 - 4,5% GDP. Nguồn vốn đầu tư có thể ưu tiên từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, dự án ở các vùng khó khăn.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trung ương trên địa bàn để các địa phương chủ động cân đối nguồn lực, kịp thời xử lý các phát sinh kết cấu hạ tầng trong quá trình khai thác.

Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải gợi ý, kết cấu hạ tầng giao thông có thể được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền; các địa phương nghiên cứu cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong trung và dài hạn, cần phải đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối khu vực Tây Nguyên với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, kết nối nội vùng vẫn còn là bài toán nan giải liên quan đến nguồn lực, quy hoạch và phân công trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong phát triển hạ tầng Vùng.

Chuyên đề