Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên |
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của Chính phủ gửi tới Quốc hội đánh giá, dù bối cảnh thực hiện Kế hoạch 2016 - 2020 là vô cùng khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố, biến động khó lường, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nhưng kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6%, riêng giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục...
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra...
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 phải có các cơ chế, chính sách, biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển... Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, để đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế…
Một số chỉ tiêu dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm…
Bối cảnh thực hiện Kế hoạch 2021 - 2025 là rất đặc biệt, nền kinh tế qua 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, những hệ quả từ dịch Covid-19 đến sức khỏe nền kinh tế không chỉ trong năm nay, mà còn trong nhiều năm tới. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội lưu ý đến xu hướng tăng trưởng giảm dần trong 3 - 4 năm trở lại đây, cộng với việc có khả năng chưa đạt được miễn dịch cộng đồng trong năm nay có thể khiến kinh tế Việt Nam chậm phục hồi. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia thì lo lắng cơ cấu lại nền kinh tế có thể càng chậm hơn vì phải xử lý nhiều vấn đề do tác động của dịch Covid-19. Nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh đặc biệt này đòi hỏi thêm nhiều giải pháp đột phá để cứu doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, tận dụng cơ hội và bứt phá sau đại dịch.
Trong dự kiến Kế hoạch 2021 - 2025, Chính phủ báo cáo Quốc hội nhiều nhóm giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai chiến lược vắc xin Covid-19 toàn diện, hiệu quả. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.
Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế, tạo nguồn lực phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng.