Kể chuyện Trường Sa ngày giải phóng

(BĐT) - 42 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng là chừng ấy thời gian kể từ khi chúng ta giải phóng quần đảo Trường Sa. Ký ức hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử lại ùa về với các nhà báo, chiến sĩ, những người đã cầm súng, cầm bút, cầm máy ảnh có mặt trong những trận đánh giải phóng Trường Sa năm ấy.
Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể ký tặng lên lá Quốc kỳ gửi bộ đội Trường Sa
Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể ký tặng lên lá Quốc kỳ gửi bộ đội Trường Sa

Nhà báo cầm súng

Tôi may mắn từng có thời gian làm phóng viên dưới quyền trực tiếp của Đại tá Đặng Trung Hội, nguyên Trưởng cơ quan đại diện Báo Quân đội nhân dân tại miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng). Tôi đã từng nghe ông kể chuyện về những ngày đầu giải phóng Trường Sa. Khi ấy, chàng thanh niên Đặng Trung Hội đang là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5). Ông kể, 3 lực lượng tham gia khi ấy gồm: Đội 1 Đặc công nước (Đoàn 126); Biên đội tàu Không số (Đoàn 125 Hải quân) và 42 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471. Những người thuộc các đơn vị khác nhau, được biên chế thành một cánh quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Mai Năng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 hình thành mũi tiến công duy nhất trên biển đi giải phóng quần đảo Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đêm 10/4/1975, từ cảng Tiên Sa, chiến sĩ Đặng Trung Hội cùng đồng đội xốc ba lô, quân trang lặng lẽ lên 3 con tàu thuộc Biên đội tàu Không số, gồm các tàu 673, 674, 675 do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, dưới sự chỉ huy chung của Biên đội trưởng Dương Tấn Kịch. Ba ngày đêm hành quân trên biển, vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km), đã có lúc biên đội bị tàu địch quây, chúng đến gần ta đến mức nhìn rõ mặt từng tên lính với súng ống. Đã được quán triệt từ trước, mặc mọi sự khiêu khích, hăm dọa, chiến sĩ trên tàu vẫn đóng vai ngư dân, ai cũng miệt mài chài lưới…

Khi ấy, một số đảo nổi trong quần đảo Trường Sa có quân đội của Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) đang chiếm giữ. Thời kỳ đó trên các đảo rất ít cây cối, mỗi đảo có vài căn nhà tôn thấp lè tè, nằm lọt thỏm trong hệ thống hàng rào bùng nhùng. Đây là khó khăn lớn nhất đặt ra, làm cách nào để tiếp cận đúng các đảo đang bị chiếm giữ để giải phóng. Phát súng mở màn, mục tiêu đầu tiên tấn công được xác định là đảo Song Tử Tây.

19 giờ 30 phút ngày 13/4/1975, Biên đội phân công Tàu 674 và 675 án ngữ phía Tây Bắc, cách đảo chừng 15 hải lý, làm nhiệm vụ nghi binh, đồng thời sẵn sàng ứng phó với hai tàu chiến của địch đang ở khu vực đảo Nam Yết, còn Tàu 673 lặng lẽ đưa bộ đội tiếp cận đảo. Vì thiếu các thiết bị nên đến 3 giờ sáng ngày 14/4/1975 Tàu mới chạm vào dãy san hô, từng chiếc xuồng cao su loại nhỏ dùng chở quân nhanh chóng được thả xuống. Bộ đội quần đùi, áo lót, súng đạn sẵn sàng rời tàu lên những chiếc xuồng bí mật tiếp cận đảo. “Đúng 4 giờ 30 phút, sau khi đã gỡ xong những quả mìn mà địch cài ở mép hàng rào ngoài cùng, phát súng hiệu mở màn, chúng tôi đồng loạt nổ súng, bộc phá ống thổi tung lớp hàng rào, mở đường cho bộ đội tấn công. Bọn địch ở trên đảo bám công sự chống trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút chiến đấu, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa. Ngay sau khi giành thắng lợi, chỉ huy phân công Tàu 674 chở tù binh về giao cho Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Hai tàu 673 và 675 cùng chúng tôi ở lại bảo vệ đảo và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các trận đánh giải phóng các đảo còn lại” – ông Hội kể lại.

Cũng theo lời kể của ông Hội: “Thời cơ giải phóng các đảo còn lại đã đến khi Đoàn 125 cử thêm Tàu 641 chở thêm bộ đội đặc công tăng cường và Tàu 674 chở thêm bộ đội Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ra tiếp nhận chốt giữ các đảo do chúng tôi giải phóng”. Theo đó, 1 giờ 30 phút sáng ngày 25/4/1975, biên đội tàu tổ chức thành 3 mũi đánh chiếm đảo Sơn Ca. Ngay sau khi mất đảo Sơn Ca, quân địch ở các đảo khác hoảng loạn, đã phải điều hai tàu HQ12 và HQ16 tổ chức bốc toàn bộ quân ở 3 đảo còn lại tháo chạy. Ngày 27/4/1975 ta giải phóng đảo Sinh Tồn. Hôm sau (28/4) quân ta giải phóng tiếp đảo Nam Yết. Ngay chiều ngày 28/4/1975, mũi cuối cùng do đồng chí Trung úy Bùi Quang Giang, Chính trị viên đại đội chỉ huy tiếp tục cuộc thần tốc đến đảo Trường Sa Lớn và đúng 9 giờ sáng ngày hôm sau (29/4/1975), hòn đảo cuối cùng, đảo Trường Sa Lớn phấp phới cờ Tổ quốc. 

Những bức ảnh đầu tiên

Mùa xuân 42 năm sau, huyện đảo Trường Sa nay đã “thay da đổi thịt”. Và cánh quân duy nhất trên biển trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ấy đã làm tròn trách nhiệm với lịch sử, trong đó có những nhà báo.
Có hai nhà báo của Báo Quân đội nhân dân đã được giao nhiệm vụ theo chuyến tàu đầu tiên tiếp quản Trường Sa. Một trong hai nhà báo có mặt ở Trường Sa khi đó nay còn sống là Thiếu tá Nguyễn Khắc Xuể. Tôi đã tìm gặp ông để ghi lại những ký ức đẹp đẽ, hào hùng của người lính cầm bút lần đầu đến Trường Sa. Hà Nội, sáng 2/5/1975, tại nhà số 7 Phan Đình Phùng, chàng phóng viên trẻ Nguyễn Khắc Xuể bất ngờ được Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên, đưa cho một tờ giấy giới thiệu có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh được giao nhiệm vụ cùng phóng viên Nguyễn Thắng đã vào Sài Gòn trước đó, tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra quần đảo Trường Sa.

Với chuyến đi “lịch sử” ấy, ông đã may mắn chụp được 14 cuộn phim, ghi lại hình ảnh Trường Sa với chim chóc, cỏ cây và bộ đội chiến đấu, huấn luyện trong những ngày đầu giải phóng. Ông kể rằng, những bức ảnh chụp ở Song Tử Tây là khá nhất, tốt nhất với nhiều hình ảnh sinh động như: Bộ đội thao tác bắn cối 60, phất cờ giải phóng… đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của giải phóng Trường Sa.

Sau này, còn một số đợt phóng viên ra Trường Sa những năm đầu sau giải phóng nên xuất hiện thêm nhiều hình ảnh chụp bộ đội Trường Sa “thưở ban đầu”. Nhưng theo ông Xuể, có thể phân biệt đâu là những ảnh do ông chụp vào tháng 5/1975, bởi theo ông, có tới “ba lớp ảnh” bộ đội Trường Sa ngày đầu giải phóng. Lớp ảnh thứ nhất là hình ảnh bộ đội mặc quần áo bộ binh, đội mũ cối do Khắc Xuể chụp tháng 5/1975. Lớp ảnh thứ hai do ông Bằng Lâm chụp có hình ảnh bộ đội mặc áo trắng hải quân. Lớp ảnh thứ ba do ông Vũ Đạt, cũng là cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa vào khoảng những năm 1978 - 1980 chụp lại với dụng ý không quên chiến công của bộ đội đặc công nên có nhiều hình ảnh anh em đội mũ sắt...

Mùa xuân 42 năm sau, huyện đảo Trường Sa hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Và cánh quân duy nhất trên biển trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ấy đã làm tròn trách nhiệm với lịch sử, trong đó có những nhà báo. Họ đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trọn vẹn trong trận chiến đấu cuối cùng giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trường Sa, quy non sông về một mối, làm cho bản hùng ca chiến thắng của dân tộc thêm hào hùng ngân mãi.

Chuyên đề