Ảnh Internet |
“Những cuộc suy thoái sẽ là lúc các chủ nợ muốn lấy lại tiền của họ. Ba trong số bốn loại tiền tệ nên mua vào trong thời kỳ suy thoái là những đồng tiền của các quốc gia có vị thế cán cân thanh toán cực mạnh”, các nhà phân tích tại JPMorgan cho hay.
Yên Nhật là đồng tiền rẻ nhất để mua vào trong số các đồng nói trên, trong khi đó đồng Đô la Singapore kém hấp dẫn nhất. Đồng USD được hưởng lợi bởi đồng tiền này với tư cách là tiền tệ mặc định của hoạt động cấp vốn toàn cầu, do đó phần còn lại của thế giới sẽ cần phải mua vào USD để trả nợ khi các ngân hàng và công ty tiến hành giảm nợ trong thời gian suy thoái. Đồng bạc xanh đã tăng giá mạnh trong những tháng gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Các chuyên gia cho biết thời điểm này vẫn còn “quá sớm” để nói về suy thoái, song sẽ là “hợp lý” khi tính đến các kế hoạch phòng ngừa trong bối cảnh căng thẳng thương mại có những bước leo thang cao hơn.
Theo JPMorgan, các đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi thể hiện rõ tính dễ bị tổn thương khi đã giảm trung bình 17% trong 2 năm suy thoái. Đồng Đô la New Zealand cho đến nay là đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong nhóm G10, với mức giảm 7-8%.
Đánh giá của JPMorgan được đưa ra dưạ trên nghiên cứu về tỷ giá của các đồng tiền trong 5 lần suy thoái gần nhất. Trong lịch sử, đồng Yên Nhật có hiệu suất kém ấn tượng hơn so với 3 đồng được khuyến nghị mua còn lại. Tuy nhiên, lần này, tỷ giá hối đoái thực của đồng Yên – một thước đo tính đến lạm phát và dòng chảy thương mại – hiện đang thấp hơn 23% so với mức trung bình 40 năm. Tính toán của JPMorgan đã chỉ ra, trước 3 lần suy thoái gần nhất, đồng Yên được định giá cao hơn giá trị thực 8%.
Điều này có nghĩa đồng Yên nên “giữ vai trò trung tâm trong bất kỳ danh mục phòng hộ suy thoái nào”, các nhà phân tích nhận xét. JPMorgan dự báo, tỷ giá đồng Yên sẽ tăng lên mức 108 Yên/USD trong tháng 9 và 106 Yên/USD vào tháng 12 năm nay.