Interserco mang đất “vàng” đi góp vốn

(BĐT) - 36 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ quốc tế (Interserco) sẽ được giao dịch trên UPCoM từ ngày 19/3/2018 với mã chứng khoán ILS, giá giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng. 
Giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được đánh giá không phản ánh quyền sử dụng đất của Interserco. Ảnh: Lê Tiên
Giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được đánh giá không phản ánh quyền sử dụng đất của Interserco. Ảnh: Lê Tiên

Những thông tin công bố đã hé lộ việc hàng chục nghìn m2 đất vàng đã được Interserco đem đi góp vốn. Đáng chú ý, đây lại là những lô đất không được đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp. 

Không đưa đất “vàng” vào định giá…

Interserco được thành lập từ năm 1980 với ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ logistics, cung ứng và quản lý nguồn lao động, kinh doanh Cảng Thông quan nội địa (ICD) Mỹ Đình. Trong đó, xuất khẩu lao động là hoạt động truyền thống của Interserco.

Phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Interserco diễn ra vào tháng 6/2016 với kết quả toàn bộ gần 10 triệu cổ phần đã được phân phối thành công cho 21 nhà đầu tư.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối năm 2014, giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước của Interserco lần lượt đạt 528 tỷ đồng và 358 tỷ đồng.

Mặc dù nắm giữ 2 khu đất: hơn 47.000 m2 số 17 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và 21.000 m2 (đã làm tròn) tại Cụm 4, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhưng giá trị quyền sử dụng đất của Công ty hoàn toàn bằng 0 (không đóng góp vào giá trị doanh nghiệp cũng như giá trị phần vốn nhà nước tại Interserco). Vì vậy, giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được đánh giá không phản ánh quyền sử dụng đất của Interserco.

Interserco cho biết, hình thức sử dụng đất lúc đó của Công ty đối với các lô đất là thuê đất trả tiền hàng năm thông qua hợp đồng thuê đất. Phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa của Công ty vẫn tiếp tục hình thức cũ. Vì vậy, giá trị quyền sử dụng đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Trước khi cổ phần hóa, kết quả kinh doanh của Interserco không khả quan, thậm chí năm 2014 còn lỗ 20 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2015 lỗ 356 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phần chào bán vẫn được tranh mua với giá đấu bình quân là 10.102 đồng/CP. Có lẽ, những nhà đầu tư sành sỏi đã nhìn ra tiềm năng từ đất của doanh nghiệp này. 

Theo công bố thông tin mới nhất, 35.000 m2 đất tại 17 Phạm Hùng đã được Interserco góp vốn hợp tác thành lập Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vimediland. Ảnh: Lê Tiên

...nhưng vẫn mang đất đi góp vốn

Các tài liệu do Interserco công bố cho thấy, mặc dù là đất thuê nhưng phần lớn đều là đất thuê có thời hạn sử dụng dài. Cụ thể: mảnh đất có diện tích 47.000 m2 số 17 Phạm Hùng được Công ty sử dụng theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn 50 năm từ 2003 - 2053. Còn mảnh đất 21.000 m2 Cụm 4, Hoài Đức, Hà Nội có thời hạn thuê từ 1997 - 2047.

Trong bản công bố thông tin tại thời điểm IPO, Interserco cho biết 35.000 m2 đất tại địa chỉ 17 Phạm Hùng đang được Công ty và Công ty CP Bất động sản AZ thực hiện dự án tại Văn bản số 5512/UBND-KH&ĐT ngày 4/7/2011 và Văn bản số 6881/UBND-QHKT ngày 1/10/2015.

Còn theo bản công bố thông tin mới nhất được lập vào tháng 3/2018, 35.000 m2 đất trên đã được Interserco góp vốn hợp tác thành lập Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vimediland theo Quyết định số 6988/QĐ-UBND ngày 18/12/2015.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vimediland có vốn điều lệ 290 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Công ty CP Bất động sản AZ (vốn góp 66,7 tỷ đồng, tương đương 23% vốn điều lệ ), Interserco (vốn góp 75,4 tỷ đồng, tương đương 26% vốn điều lệ) và một cá nhân là Tạ Thị Thùy Trang (vốn góp 147,9 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ). Trong đó, Interserco đã dùng quyền sử dụng đất để góp vốn vào công ty này.

Ngày 27/7/2017, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 108/BXD-HĐXD gửi Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vimediland về việc hướng dẫn về giấy phép xây dựng công trình tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp City of Dream tại khu đất số 17 đường Phạm Hùng.

Theo như thông tin từ nhiều website môi giới bất động sản, khu đất số 17 Phạm Hùng sẽ được xây dựng thành tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp City of Dream và chủ đầu tư của Dự án là Vimefulland, công ty bất động sản của Tập đoàn dược phẩm Vimedimex. Mặc dù là một cái tên mới trên thị trường, chủ đầu tư Vimefulland đang sở hữu khá nhiều dự án tại những vị trí “vàng” của Hà Nội. Như Dự án Belleville Hà Nội, The Eden Rose, Iris Garden.

Chuyên đề