Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn trong chuyến thăm một nhà máy ở Pháp tháng 11/2018. Ảnh:AFP. |
Một nguồn tin tư pháp Lebanon cho biết "thông báo đỏ" của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã được gửi tới các lực lượng an ninh nội bộ Lebanon, song chưa được chuyển đến cơ quan tư pháp. Quan chức chính phủ Lebanon chưa bình luận các bước nước này có thể thực hiện đối với lệnh bắt trên.
"Thông báo đỏ" của Interpol có hiệu lực gần tương đương lệnh bắt quốc tế, yêu cầu bắt tạm thời, chờ xử lý dẫn độ hoặc truy tố. Trong các trường hợp trước đây khi Lebanon nhận được thông báo đỏ, nghi phạm không bị bắt giam nhưng bị tịch thu hộ chiếu và phải được bảo lãnh.
Cựu chủ tịch tập đoàn ôtô Nissan, người mang quốc tịch Pháp, Lebanon và Brazil, được một công ty an ninh tư nhân đưa khỏi Tokyo cách đây vài ngày theo kế hoạch diễn ra trong ba tháng. Ghosn hôm 31/12 thông báo ông đã sang Beirut, thủ đô Lebanon, để thoát "hệ thống tư pháp gian lận" của Nhật Bản.
Dữ liệu chuyến bay cho thấy Ghosn sử dụng hai máy bay để vào Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó tới Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay bắt 7 người, gồm 4 phi công và ba nhân viên sân bay, để điều tra cựu chủ tịch Nissan quá cảnh bất hợp pháp ở nước này.
Ghosn bị bắt tại Tokyo vào tháng 11/2018 và phải đối mặt với 4 cáo buộc, bao gồm che giấu thu nhập và tư lợi thông qua các khoản thanh toán cho đại lý ở Trung Đông. Nissan đã sa thải ông. Ghosn phủ nhận toàn bộ cáo buộc.
Theo điều khoản tại ngoại, Ghosn bị quản thúc tại gia ở Tokyo và phải lắp đặt camera theo dõi ở lối vào. Ông không được giao tiếp với vợ, bị hạn chế sử dụng internet và các phương thức liên lạc khác.
Các nguồn tin thân cận với Ghosn cho biết ông quyết định trốn khỏi Nhật Bản sau khi biết phiên tòa xét xử ông bị hoãn đến tháng 4/2021 và vì ông không được phép nói chuyện với vợ theo điều kiện bảo lãnh.
Lebanon không có thỏa thuận dẫn độ với Nhật Bản. Ghosn từng sống tại Lebanon thời thơ ấu, nắm giữ các khoản đầu tư lớn vào ngân hàng, bất động sản và được ủng hộ rộng rãi tại quốc gia này.