Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa thông báo hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lần đầu tiên trong hơn hai năm gần đây, do những lo ngại về căng thẳng thương mại và sự bất ổn tại các thị trường mới nổi.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm 2019 được IMF dự báo chỉ ở mức 3,7%, so với con số đưa ra ba tháng trước là 3,9%. Đây cũng là lần hạ dự báo đầu tiên của IMF kể từ tháng 7/2016.
Theo Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của IMF, dự báo trước đó đã trở nên "quá lạc quan" do nguy cơ từ sự gián đoạn hơn nữa trong chính sách thương mại ngày càng hiện rõ.
"Hai thỏa thuận thương mại khu vực lớn – NAFTA và EU – đang thay đổi. Mỹ áp thuế lên Trung Quốc, và nhiều hành động nhắm vào ôtô, bộ phận xe hơi nhập khẩu, có thể làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, đặc biệt là nếu bị đáp trả", Obstfeld nói.
Theo IMF, rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu đã tăng trong ba tháng qua và nghiêng về xu hướng giảm. Tác động từ chính sách thương mại và bất ổn ngày càng hiện rõ ở cấp độ vĩ mô. Các mối đe dọa gia tăng, từ việc leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho tới những vấn đề về lãi suất có thể thúc đẩy sự dịch chuyển vốn ra khỏi các thị trường mới nổi.
IMF cũng giảm dự báo về quy mô thương mại toàn cầu. Tổng dòng chảy hàng hóa và dịch vụ năm nay và năm 2019 ước tính lần lượt tăng 4,2% và 4%, thấp hơn dự báo trước đó 0,6% và 0,5%.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc – cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn so với những con số đưa ra trước đó. IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm tới xuống 2,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7 do những tác động từ việc áp thuế của chính quyền ông Trump và động thái đáp trả từ các quốc gia khác. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc trong năm nay là 2,9% và 6,6%.
Với các thị trường mới nổi, IMF cũng mạnh tay giảm dự báo tăng trưởng do những tín hiệu không mấy tích cực, trong đó có một số thị trường đáng chú ý như Argentina, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nền kinh tế này đã chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt từ những nhà đầu tư nước ngoài khi Mỹ tăng lãi suất trở lại. "Nói chung, chúng ta thấy các dấu hiệu đầu tư và sản xuất đều thấp hơn, cùng với sự tăng trưởng thương mại yếu đi", nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định.