Cần tiền gấp đành bán xe
Anh Nguyễn Văn Cần, chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ với gần 10 lao động tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội cho biết, do phải tạm ngừng kinh doanh vì dịch Covid-19, nguồn thu không có, trong khi vẫn phải trang trải các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên,... nên không còn cách nào khác, anh đành phải đem bán chiếc xe dùng để đi công việc hàng ngày. Đó là chiếc Mazda CX 5, sử dụng được gần 3 năm, đi hơn 30.000 km, vẫn còn thời hạn bảo hành. “Tôi rao bán giá 750 triệu đồng, nhưng vừa rồi chỉ bán được 700 triệu đồng”, anh Cần kể.
Hoàn cảnh còn căng thẳng hơn là anh Lê Hồng Thịnh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thành lập công ty trong lĩnh vực xây dựng từ đầu năm 2019, đang làm thầu phụ cho một số công trình nhỏ, có bao nhiêu tài sản đã thế chấp hết cho ngân hàng để mua máy móc thiết bị. Vốn lưu động dùng để mua vật tư, ứng trước cho đối tác chủ yếu phải đi “vay nóng” bên ngoài với lãi suất 4.000 đồng/triệu /ngày. Các công trình đang thi công phải tạm ngừng, nguồn thu không có. Dù chủ nợ đã đồng ý giảm lãi xuống còn 2.500 đồng/triệu/ngày nhưng anh vẫn phải mang tiền trả cho họ 3 ngày một lần.
Cần tiền, nhiều người phải bán cả ô tô
Chủ cửa hàng kinh doanh ô tô cũ tại đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, tuy đã ngừng kinh doanh, nhưng ngày nào cũng nhận được các cuộc gọi mời mua xe cũ. Khách mua chẳng có, nhưng khách bán xe thì nhiều, có ngày tôi nhận tới 5 cuộc điện thoại hỏi có mua xe không. Những người bán xe đều đang trong hoàn cảnh khó khăn, cần tiền mặt để trang trải chi phí. Do cần tiền gấp nên giá bán cũng giảm, nhiều người chấp nhận bán rẻ hơn để có tiền ngay.
Dịch Covid-19 đang khiến cho nhiều DN, hộ kinh doanh nhỏ, phải tạm dừng hoạt động, nguồn thu không có, còn người lao động thu nhập giảm. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều tài sản sẽ được mang bán lấy tiền mặt, thanh toán các khoản nợ và lo đời sống. Ô tô chính là tài sản đầu tiên được nhiều người mang bán khi cần tiền.
“Khách chào bán xe cũ nhiều nhưng tôi không dám mua. Lý do là cửa hàng của tôi cũng đang tồn hơn chục chiếc xe cũ mua từ cuối năm 2019 đến nay chưa bán được. Vì vậy, không còn tiền để mua. Hơn nữa với xu hướng này, sắp tới còn nhiều người mang ô tô đi bán và giá xe cũ chắc chắn còn giảm nữa. Vì vậy, không nên mua vào thời điểm này”, chủ cửa hàng xe cũ trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội khuyến cáo.
Giá giảm mạnh
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, không riêng gì Việt Nam mà tại nhiều nước khác cũng tương tự. Bao giờ cũng vậy, cứ kinh tế khó khăn thì tình trạng bán ô tô đang sử dụng đều tăng. Tại Mỹ và châu Âu, làn sóng bán ô tô đang sử dụng tăng nhanh là do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Mới đây, Bloomberg trích dẫn lời của phó chủ tịch điều hành công ty chuyên kinh doanh xe cũ Cox Automotive tại Mỹ cho biết, 6 tháng nữa sẽ có một lượng cung khủng khiếp trên thị trường xe cũ. Số lượng xe bán ra sẽ dồn dập, tình hình những tháng qua cho thấy rõ xu thế này.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài, dự báo lượng xe bán ra sẽ tăng, giá ô tô cũ tới đây sẽ giảm mạnh
Dự báo của giới kinh doanh xe cũ cho thấy, số lượng xe bán ra nhiều thì giá sẽ giảm mạnh. Nếu dịch bệnh còn kéo dài và hạt động sản xuất kinh doanh không trở lại bình thường thì tới tháng 6/2020, số lượng xe cũ bán ra tăng và giá sẽ giảm.
Không những thế, sức ép với xe cũ còn đến từ chính sách kích cầu của Chính phủ dành cho xe mới. Nếu lệ phí trước bạ cho ô tô mới sản xuất lắp ráp trong nước và thuế giá trị gia tăng giảm 50% sẽ giúp khách hàng mua xe hưởng lợi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, càng khiến xe cũ phải đại hạ giá mới bán được.
Trong khi đó, thị trường xe cũ đang ế ẩm, giá xe giảm mạnh mà không có người mua bởi xe mới liên tục hạ giá. Phân khúc ô tô có tầm giá từ 500-700 triệu đồng hiện được nhiều khách hàng Việt Nam quan tâm và lựa chọn. Từ giữa năm 2019 đến nay, hàng loạt mẫu xe mới thi nhau giảm giá, khiến khách hàng không màng tới xe cũ. Còn những chiếc xe cũ chạy lướt, dưới 10.000 km, bán ra đều cao hơn so với giá xe mới chưa đăng ký, nên khách hàng càng không mặn mà.