HoREA đề nghị giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp HĐND để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển. Ảnh: Tường Lâm |
Nên phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa hai kỳ họp HĐND
HoREA cho rằng, theo pháp luật quy định, tất cả các dự án có sử dụng đất, các dự án phát triển đô thị, nhà ở đều phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển dự án nhà ở của địa phương.
Vì vậy, để khuyến khích thị trường tăng trưởng, Nhà nước cần chấp thuận cho nguồn cung quỹ đất ra thị trường nhiều hơn, đồng thời chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án bất động sản hơn.
Ngược lại, khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì nên áp dụng chính sách hạn chế nguồn cung quỹ đất ra thị trường, song song đó nên hạn chế chấp thuận đầu tư các dự án bất động sản.
Do đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn, nên cần phải được sử dụng hiệu quả và tiết kiệm. Có như vậy, TP.HCM mới để dành được quỹ đất đang chuẩn bị hoặc chưa sử dụng làm nguồn lực dự trữ cho các thế hệ tương lai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, HĐND Thành phố đang giữ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Thành phố, nhưng do mỗi năm thường chỉ có 2 kỳ họp, nên cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND Thành phố, các sở, ngành, các quận, huyện để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, và kiểm soát, giám sát việc sử dụng đất đai của Thành phố.
Cho nên, HoREA đề nghị giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp HĐND để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển.
Cần có nhiều cơ chế phù hợp
Cũng theo HoREA, TP.HCM nên đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng thông qua các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Mục đích của cơ chế này là để phát triển ngày càng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của Thành phố có hạn. Tuy nhiên, Thành phố cần tính toán chặt chẽ và có cơ chế giám sát để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, không để phát sinh tiêu cực và sử dụng hiệu quả quỹ đất.
Bên cạnh các giải pháp trên, cơ chế phối hợp “chuỗi 05 nhà” bao gồm: nhà đầu tư phát triển dự án; nhà thầu thi công; nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị; nhà băng - ngân hàng; nhà nước trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.
“Nếu các chủ thể nêu trên cùng nhau hợp tác và phối hợp sẽ tạo được sức mạnh, hiệu quả để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững. Trong đó, các cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước phải liêm chính, kiến tạo, hành động, đồng hành với doanh nghiệp, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, điện tử, liên thông, rút ngắn thời gian hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản”, HoREA nhấn mạnh.
Ngoài ra, Nhà nước cũng như chính quyền Thành phố cần có các công cụ kiểm soát rủi ro trên thị trường bất động sản và bảo vệ người tiêu dùng bất động sản.
Đơn cử, dù pháp luật đã quy định cơ chế, chính sách bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng; phải xây dựng xong phần móng chung cư; phải được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn; phải giải chấp hoặc được ngân hàng nơi nhận thế chấp có văn bản chấp thuận trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại rất nhiều dự án, chủ đầu tư đã phớt lờ các quy định này dẫn đến những tranh chấp và hệ lụy phát sinh hết sức phức tạp.
“Mục đích của các biện pháp này đều nhằm bảo vệ và xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, bền vững. Do đó, nếu làm càng nghiêm, vận dụng càng triệt để, thì chắc chắn thị trường sẽ tốt”, ông Châu lý giải.