Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhu cầu vay vốn lên tới hơn 50% |
Việc điều tra được tiến hành ở 10 tỉnh với tổng số gần 2.500 DN sản xuất. Trong số các DNNVV được khảo sát có tới 72% là DN siêu nhỏ (1 - 9 lao động) và một trong số này là DN không chính thức.
Kết quả điều tra chỉ ra một số hạn chế mà DN cảm nhận được từ môi trường kinh doanh là tín dụng, cầu giới hạn và cạnh tranh. Nhìn về hạn chế trong tiếp cận tín dụng, GS. John Ran (Đại học Liên hợp quốc) cho rằng, đây không phải là vấn đề mới mà đã kéo dài từ nhiều năm trước, theo thời gian đã có sự cải thiện đáng kể, song đây vẫn là điểm yếu của môi trường kinh doanh. Theo kết quả khảo sát, trong năm 2011 có tới 45% DNNVV khó khăn trong tiếp cận tín dụng, con số này giảm còn 30% năm 2013 và còn 24% vào năm 2015. Đáng chú ý, theo kết quả điều tra, trong giai đoạn 2013 - 2015 tỷ lệ DNNVV không có nhu cầu vay vốn lên tới hơn 50%, trong khi đó số DN cho ý kiến về quy trình khó khăn hoặc thiếu tài sản thế chấp hoặc đang nợ quá nhiều…thấp hơn nhiều.
Tại sao lại như vậy? Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân chính là do DNNVV đang có “rào cản” không thể tiếp nhận được vốn bởi năng lực quản trị DN còn quá yếu. Theo vị đại diện cơ quan này, hầu như các DNNVV không có sổ sách kế toán hoặc không bảo đảm chất lượng để có thể vay được vốn của ngân hàng. Nhiều DNNVV vẫn kinh doanh dựa vào nguồn vốn tự có, không muốn đi vay vì e ngại phát sinh nợ, sản phẩm thiếu đầu ra, quy trình vay vẫn vướng mắc… Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để hỗ trợ DNNVV lớn lên, thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng thì việc cần làm là phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp để DNNVV nâng cao khả năng tiếp nhận, tiếp cận vốn.
Một kết quả đáng chú ý khác từ cuộc điều tra “sức khỏe” của DNNVV cũng chỉ ra, trong khoảng thời gian từ 2 - 5 năm vừa qua, vẫn còn tới 70% DNNVV phải trả những khoản chi phí phi chính thức để được kết nối dịch vụ công, có được giấy phép, giải quyết về thuế và người thu thuế… “Khi DN phải chi những khoản chi không chính thức không chỉ là vấn đề đạo đức mà vi phạm nghiêm trọng hiệu quả kinh tế”, GS. Finn Tarp (Đại học Liên hợp quốc) nhấn mạnh.