Khu đất đã được chuyển nhượng với giá rẻ. |
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 5/6/2017 và các phụ lục hợp đồng kèm theo, Công ty Tân Thuận bán khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn cho doanh nghiệp giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách nhà nước hơn 419 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này được cho là rẻ bất thường.
Vì sao Quốc Cường Gia Lai được ưu ái?
Trước khi bán đứt khu đất, ngày 26/4/2017, Công ty Tân Thuận chỉ đề nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận cho hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Quy mô dự án là 50 ha, trong đó đất thuộc Văn phòng Thành uỷ quản lý là khoảng 32 ha (hơn 320.000 m2).
Để có cơ sở đề xuất, Công ty Tân Thuận đã thực hiện hàng loạt động thái nội bộ trong vòng một tuần. Cụ thể, ngày 19/4/2017 họp hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24/4/2017 họp giữa hai công ty về phương án chuyển nhượng đất. Một ngày sau, Tổng giám đốc Trần Công Thiện trình Hội đồng thành viên công ty phương án góp 30% vốn và được chấp thuận.
Tại phương án hợp tác đầu tư, Công ty Tân Thuận định giá tổng giá trị khu đất là 358 tỷ đồng (1,1 triệu đồng/m2). Trong công văn báo cáo với Văn phòng Thành ủy, Công ty Tân Thuận cho biết tiến độ góp vốn trong vòng 20 ngày, Công ty Quốc Cường Gia Lai phải thanh toán 70% giá trị đất đã nhận chuyển nhượng là 250,6 tỷ đồng.
Lý do phải hợp tác đầu tư là thời điểm này công ty không còn là chủ đầu tư dự án, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân và tổ chức đến mua gom đất gây khó khăn cho công ty khi tiếp tục đền bù.
Để triển khai dự án, Tân Thuận phải thực hiện thủ tục lại từ đầu và phải có trên 1.300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (dựa trên tổng mức đầu tư dự án gần 6.600 tỷ đồng). Trong khi đó công ty hiện "không đủ năng lực tài chính vì vốn chủ sở hữu chỉ có 162 triệu đồng".
Ngoài ra, việc cho Quốc Cường Gia Lai đầu tư chung mà không phải doanh nghiệp nào khác, là vì hai bên từng hợp tác tại dự án Khu dân cư ven sông Tân Phong (quận 7). "Đây là điều kiện thuận lợi do đã hiểu biết nhất định về đối tác, không mất thời gian tìm hiểu lâu", Công ty Tân Thuận báo cáo trong đề xuất với Văn phòng Thành ủy.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Công ty Tân Thuận đã chuyển phương án từ hợp tác đầu tư dự án với Công ty Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ thành chuyển nhượng luôn khu đất. Từ hợp tác đầu tư đến chuyển nhượng đất, giá trị khu đất đã được định giá tăng từ 1,1 triệu đồng/m2 lên 1,29 triệu đồng/m2.
Một số nhà dân trong quy hoạch Khu dân cư Phước Kiển chưa chấp thuận giá đền bù của Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Sau khi Công ty Tân Thuận bán đứt khu đất, ngày 5/12/2017 Văn phòng Thành ủy đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại về giá trị khu đất.
Sở này xác định, đây phần lớn là đất nông nghiệp cạnh sông Phước Kiển, chỉ có một diện tích rất nhỏ (hơn 480 m2) là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này của Sở, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án Khu dân cư Phước Kiển theo quy hoạch, ngoài việc mua lại hơn 32 ha đất công sản, từ năm 2009 Công ty Quốc Cường Gia Lai còn nhận chuyển nhượng đất của người dân. Thời điểm đó, công ty này đã đền bù đất nông nghiệp trồng lúa với giá hơn 4,6 triệu đồng/m2.
Theo một số chuyên gia, nếu tính theo giá thị trường thấp nhất thời điểm Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai (tháng 5/2017), tổng giá trị khu đất có thể lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước thông tin Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng, không đồng ý bán chỉ định khu đất, phía Quốc Cường Gia Lai cho biết sẵn sàng giao lại đất.
Theo Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, khu đất này là tài sản kinh tế Đảng nhưng tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy không biết việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho doanh nghiệp.
Việc này là không đúng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố (Quyết định 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009).