Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024: Gỡ điểm nghẽn, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024. Hội nghị xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024

Làm rõ “điểm nghẽn”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư, trong đó có đầu tư công. Hiện, chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, để làm được điều này thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân… Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển.

Cùng với đó, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng đề nghị cần đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, "điểm nghẽn", làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 30,49%).

Bộ KH&ĐT chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đầu tiên là khó khăn về nguồn thu NSĐP. Kế hoạch vốn NSĐP năm 2024 cao hơn khoảng 89 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Số vốn này chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chi cho đầu tư công của các địa phương.

Việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phải thực hiện rất nhiều thủ tục tại nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án. Công tác bồi thường, GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển. Giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Giá bán xi măng trong nước tương đối ổn định nhưng có sự chênh lệch theo từng khu vực…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó là vướng mắc mang tính đặc thù của đầu tư công, khi tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, BQLDA và cả nhà thầu.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân giải ngân chậm còn do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; lấy dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án.

Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các dự án; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 5 ngày làm việc. Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh cần tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện các giải pháp tăng thu NSNN, bảo vệ nguồn thu, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn NSĐP chi cho đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của Thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại Hội nghị, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 trước ngày 31/7/2024. Nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các Luật liên quan theo hướng đơn giản hóa, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo công khai, minh bạch … đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Tổ chức, hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 theo đúng thời gian quy định…

Chuyên đề