Hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những quy định mới liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, lấp khoảng trống pháp lý, giúp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án đem lại hiệu quả tốt nhất, thu hút thêm nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những quy định mới tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) giúp các địa phương thuận lợi hơn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, hạ tầng khu công nghiệp, khu công viên giải trí… Ảnh: Lê Tiên
Những quy định mới tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) giúp các địa phương thuận lợi hơn trong công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, hạ tầng khu công nghiệp, khu công viên giải trí… Ảnh: Lê Tiên

Lấp khoảng trống pháp lý, thu hút thêm nguồn lực xã hội

Thông qua chủ trương xã hội hóa, nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân đã được huy động vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... Việc tăng cường đấu thầu rộng rãi giúp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực tư nhân, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt và góp phần làm tăng tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động xã hội hóa.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong năm 2020, đã có 14 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 5.911 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa. Trong năm 2021, có 16 dự án với tổng số vốn huy động khoảng 58.993,17 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Thực tiễn theo phản ánh của nhiều địa phương, nhiều dự án đầu tư kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, ví dụ dự án xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, hạ tầng khu công nghiệp, khu công viên giải trí, các dự án trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường… Tuy nhiên, địa phương còn lúng túng trong thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, do nhiều lĩnh vực trong pháp luật chuyên ngành quy định dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên thì thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, nhưng Luật Đấu thầu 2013 và nghị định hướng dẫn chỉ quy định các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm, có trường hợp mỗi nơi triển khai một kiểu, xảy ra kiến nghị, khiếu nại...

Từ đòi hỏi thực tiễn, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án đầu tư kinh doanh phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Việc đưa vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu những trường hợp này sẽ làm cơ sở cho địa phương tổ chức kêu gọi, giúp địa phương thuận lợi hơn trong thực hiện, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Sửa đổi, bổ sung quy định lựa chọn nhà đầu tư

Theo quan sát của Báo Đấu thầu từ những dự án đầu tư có sử dụng đất đã công bố dự án, đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, thì tại nhiều địa phương, rất ít dự án được đưa ra đấu thầu rộng rãi, do khi công bố danh mục dự án, phát hành hồ sơ mời quan tâm thì chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm, chuyển sang chấp thuận nhà đầu tư. Việc chấp thuận nhà đầu tư trên cơ sở đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm, theo nhiều ý kiến là chưa bảo đảm xem xét đầy đủ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT, việc đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm chỉ nhằm mục đích khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án, chưa phải là một thủ tục được thực hiện trong quá trình đấu thầu. Do đó, thủ tục này chỉ nên được áp dụng cho dự án cần phải khảo sát số lượng nhà đầu tư quan tâm. Đối với những dự án mà pháp luật quy định bắt buộc phải đấu thầu (không phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư quan tâm) thì không cần áp dụng thủ tục này.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bỏ bước đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư quan tâm, mà tổ chức đấu thầu luôn. Theo đó, các bước trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư gồm: Công bố dự án đầu tư kinh doanh; Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu; Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Đánh giá hồ sơ dự thầu; Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư, giải thích lý do nhà đầu tư không trúng thầu theo yêu cầu của nhà đầu tư (nếu có); Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Trường hợp pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, ngoài các bước này, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ mời quan tâm, thông báo mời quan tâm, tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt kết quả mời quan tâm trước khi thực hiện bước chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, Luật quy định phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh do nhà đầu tư đề xuất, bao gồm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn: đánh giá năng lực của nhà đầu tư về tài chính, khả năng thu xếp vốn, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự; đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội, môi trường; đánh giá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù về điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý ngành, lĩnh vực thì hồ sơ mời thầu xác định tiêu chí cố định trong số các tiêu chuẩn trên.

Theo một chuyên gia đấu thầu, ngoài việc làm rõ phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư, các quy định nêu trên bảo đảm phân định rõ sự khác nhau trong đánh giá hồ sơ dự thầu của dự án đầu tư có sử dụng đất và các dự án có yêu cầu đặc thù về công nghệ, kỹ thuật, tránh việc phải vận dụng phương pháp, tiêu chuẩn đối với dự án có sử dụng đất để đánh giá dự án có yêu cầu đặc thù như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã nêu. Phương pháp đánh giá này giúp lựa chọn được nhà đầu tư đủ khả năng kinh tế, đủ trình độ chuyên môn, có trách nhiệm xã hội để thực hiện dự án đầu tư hiệu quả và giải quyết các vấn đề về bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra một dự án đầu tư trên đất cần phân tích thấu đáo chi phí - lợi ích về cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường với những tiêu chí cụ thể.

Quy định đồng bộ về pháp luật để tăng cường đấu thầu

Theo Bộ KH&ĐT, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được phân định rõ ràng. Theo đó, Luật Đất đai quy định về các trường hợp, điều kiện xác định khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Quy định pháp lý để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện nay đã tương đối rõ ràng, nhưng theo nhiều ý kiến, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai để đấu thầu trở thành phương thức giao đất phổ biến.

Luật Đấu thầu quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Thẩm tra Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong các phương thức giao đất, cho thuê đất, phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất có nhiều ưu điểm hướng tới hiệu quả toàn diện, giúp lựa chọn được nhà đầu tư có phương án đầu tư tốt nhất, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực đất đai, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực để Nhà nước chuẩn bị quỹ đất hạn chế.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đại biểu Quốc hội trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần thu hẹp trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, mở rộng các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia và địa phương đề xuất, pháp luật về đất đai cần mở rộng phạm vi đấu thầu dự án có sử dụng đất để đạt được nhiều mục tiêu hơn trong sử dụng đất. Với dự án sử dụng đất, giao đất thông qua đấu thầu cần phải được ưu tiên nhất, từ đó thực hiện thành công các định hướng của Nghị quyết 18-NQ/TW, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia về đấu thầu, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã điều chỉnh cả hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có quy định giao đất đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp này. Sự chưa đồng bộ sẽ dẫn đến các dự án đầu tư, kinh doanh mà pháp luật quy định phải đấu thầu nhưng không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện giao đất theo Luật Đất đai sẽ không biết áp dụng cơ chế nào để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Vì thế, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu, hoàn thiện để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý đối với những trường hợp này.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư