Hoàn thiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ ban hành là tập trung hoàn thiện chính sách về phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ hoàn thiện bổ sung, sửa đổi các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định về phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, tập trung vào các cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thị trường cho các sản phẩm cơ khí trong nước...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản theo hướng nâng tỷ lệ chế biến sâu, chế biến tinh có giá trị gia tăng cao. Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm cách âm, cách nhiệt thân thiện với môi trường, vật liệu không nung; sản phẩm tái chế…

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ giao ban hành chính sách ưu đãi theo nguyên tắc mức độ và thời gian ưu đãi của các dự án FDI phụ thuộc vào mức độ tạo ra giá trị gia tăng trong nước và các chế tài kèm theo. Xây dựng các cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng của DN nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách về tín dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao... Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho DN công nghiệp.

Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; xây dựng một số DN công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế…

Chuyên đề