Hỗ trợ sản xuất kinh doanh: Giải pháp trúng, cần tăng tốc thực thi

(BĐT) - Tiếp sau các gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa đang được triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp mới hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đáng chú ý là các kiến nghị giãn và giảm thuế, phí. Các giải pháp này được đánh giá là đi đúng vào vấn đề khó khăn của doanh nghiệp (DN), song cần thực thi nhanh, gọn để đạt hiệu quả cao.
Bộ KH&ĐT đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 nhằm hỗ trợ ngành hàng không. Ảnh: Nhã Chi
Bộ KH&ĐT đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 nhằm hỗ trợ ngành hàng không. Ảnh: Nhã Chi

Tăng “liều lượng” các giải pháp phù hợp

Giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế bảo vệ môi trường, giãn thuế giá trị gia tăng và miễn lệ phí môn bài là những đề xuất đáng chú ý trong văn bản vừa được Bộ KH&ĐT gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất giảm 50% thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa, hợp tác xã trong năm 2020; hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31/12/2020 đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 nhằm hỗ trợ ngành hàng không - ngành vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch, Bộ KH&ĐT kiến nghị giảm 100% lệ phí môn bài năm 2020. Đối với các hộ kinh doanh đã nộp, số tiền đã nộp được khấu trừ vào nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài các năm sau.

Đánh giá về các đề xuất mới này, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho rằng, cũng như các gói tín dụng và tài khóa đang triển khai, các giải pháp bổ sung này đã hướng đến đúng vấn đề khó khăn của DN nên càng gia tăng liều lượng sẽ càng hỗ trợ tốt cho DN. 

Cần tăng tốc độ thực thi

Về các giải pháp hỗ trợ tín dụng và tài khóa đang triển khai, vị Tổng thư ký HaSME cho biết, nhiều DN trong Hiệp hội đang hoàn thiện thủ tục để thụ hưởng. Trong đó, để đáp ứng điều kiện giãn nợ, giảm lãi vay ngân hàng, DN phải xây dựng phương án kinh doanh khả thi hoặc có tài sản bảo đảm phù hợp, đây là những điều cần có thời gian thực hiện. Tương tự, để được hưởng chính sách chậm nộp thuế và tiền thuê đất, DN cũng phải chờ cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ.

“Vì vậy, nhiều khả năng là đến cuối tháng 5 các chính sách hỗ trợ này mới “ngấm” và giúp DN hồi phục sau dịch. Để các chính sách đang và sắp thực hiện có hiệu quả tốt nhất, cần tiếp tục đơn giản hóa các quy trình. Chúng ta đã ứng dụng công nghệ thông tin cho khá nhiều thủ tục, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Các giải pháp từ cấp trung ương là rất đúng và trúng, nhưng vẫn bị “virus” trì trệ ở cấp cơ sở làm chậm lại”, ông Quốc Anh nói.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nhấn mạnh: “Cần triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Do đây là vấn đề mới nên các hướng dẫn thực hiện cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nhất quán thực hiện, công khai, minh bạch. Để làm được điều này, nên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng tốc độ xử lý. Đồng thời, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và bộ máy đoàn thể cùng với biện pháp giám sát, hậu kiểm đảm bảo đúng và trúng đối tượng, hạn chế tối đa hiện tượng trục lợi chính sách”.

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cần tính toán các giải pháp dài hạn cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn sống chung và hậu dịch Covid-19. Cụ thể, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Quy mô tiêu dùng cá nhân (bán lẻ) của Việt Nam tương đương gần 82% GDP và đóng góp 11,87% GDP năm 2019. Theo đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1% thì sẽ giúp GDP năm 2020 tăng thêm 0,11 điểm %.

Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, điều này cũng phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là cơ sở để Việt Nam làm chủ một số yếu tố đầu vào, phần nào hạn chế nhập khẩu. Cùng với đó, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và DN, năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.

Chuyên đề