Hỗ trợ dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia có thể được hỗ trợ tới 8 tỷ đồng
Nhà máy chế biến dứa xuất khẩu tại Ninh Bình. Ảnh: TTXVN
Nhà máy chế biến dứa xuất khẩu tại Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những nội dung chính được Bộ hoàn thiện tại dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, đó là hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Theo đó, doanh nghiệp có dự án chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư, mức không quá 8 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị.

Các dự án đầu tư được hưởng hỗ trợ theo quy định trên phải bảo đảm một số quy định. Đó là công suất chế biến tối thiểu đối với mặt hàng cà phê ướt là 2.000 tấn sản phẩm/năm;, 20.000 tấn cà phê nhân/năm đối với phương pháp khô; 4000 tấn sản phẩm đối với cà phê bột, cà phê hòa tan.

Với mặt hàng gạo, công suất chế biến tối thiểu là 50.000 tấn sản phẩm/năm đối với gạo trắng; 3.000 tấn sản phẩm/năm đối với gạo trắng cao cấp có giá trị gấp 1,5 lần giá gạo xuất khẩu trung bình trên thị trường.

Với hạt tiêu, tiêu chuẩn này là 1.000 tấn sản phẩm/năm đối với hạt tiêu; hạt điều là 5.000 tấn sản phẩm/năm; 10.000 tấn sản phẩm/năm đối với rau quả (gồm cả rau quả hộp). Với thủy, hải sản, công suất tối thiểu được hỗ trợ theo quy định là 1.000 tấn sản phẩm/năm đối với tôm; 5.000 tấn thành phẩm/năm đối với cá tra và các hải sản khác.

Bên cạnh đó, các dự án sẽ hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư dự án sản xuất giống đối với sản phẩm chủ lực, mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án, để xây dựng hạ tầng thiết yếu, xử lý môi trường cho khu sản xuất giống (giao thông, điện nước, nhà lưới, nhà kính, nhà màng).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một nội dung nữa cũng được Bộ chú trọng đó là hỗ trợ đầu tư đặc thù chế biến gỗ rừng trồng.

Theo đó, doanh nghiệp trong nước có dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ rừng trồng; tre công nghiệp tại các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được ngân sách nhà nước sẽ được hỗ trợ.

Cụ thể, hỗ trợ 20 tỷ đồng/nhà máy sản xuất gỗ MDF quy mô trên 30.000m3 MDF/năm trở lên hoặc nhà máy ván ép quy mô trên 100.000 m3 trở lên; hỗ trợ đầu tư 10 tỷ đồng/nhà máy đối với các nhà máy chế biến ván dăm, tre, gỗ ép công nghiệp có quy mô trên 20.000 m3 trở lên để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và xử lý chất thải.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ sau đầu tư bổ sung tính theo khoảng cách vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm đặt nhà máy đến trung tâm thành phố Hà Nội, hoặc trung tâm thành phố Đà Nẵng, hoặc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh theo đường ô tô gần nhất.

Khối lượng hỗ trợ tính theo công suất thiết bị nhà máy nhân với thời gian tính hỗ trợ là 5 năm, kinh phí hỗ trợ ngay sau khi hoàn thành nhà máy bảo đảm tối thiểu 70% tổng số kinh phí hỗ trợ.

Chuyên đề