Hồ Chí Minh và tư tưởng Quốc gia khởi nghiệp

(BĐT) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo sức sống mới cho nền kinh tế đất nước là sự thúc đẩy tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp”, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) ngày 19/5/1955
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) ngày 19/5/1955

Ít ai biết rằng, cách đây hơn bảy thập kỷ, giữa lúc phải đương đầu với muôn vạn khó khăn của “thù trong, giặc ngoài”, Hồ Chủ tịch đã luôn đề cao tinh thần khởi nghiệp, trong đó Chính phủ đóng vai trò “tận tâm” phục vụ công cuộc kiến quốc, phát triển kinh tế đất nước.

Tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết

Ngay sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới chiều ngày 2/9/1945, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, buổi chiều hôm đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã có bài phát biểu với đồng bào Thủ đô và cả nước về “Những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế”, trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập từ tay phong kiến thực dân.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Ngày nay, để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Nhưng Chính phủ không làm thế. Chính phủ sẽ kiến thiết nền quốc dân kinh tế để cho ai nấy được tự do kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát”. Đường lối đúng đắn đó của Chính phủ lâm thời và Hồ Chủ tịch đã tạo nên niềm tin, sự phấn khởi và sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, đặc biệt là tầng lớp doanh nhân, công thương cả nước, giúp chính quyền vượt qua mọi khó khăn trong buổi đầu trứng nước.

Ngày 18/9/1945, 16 ngày sau khi nước nhà giành độc lập, Hồ Chủ tịch đã có cuộc gặp với giới doanh nhân và các nhà công thương Hà Nội. Để rồi ngày 13/10/1945, giữa lúc chính quyền cách mạng non trẻ, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn của “thù trong, giặc ngoài”, Hồ Chủ tịch đã viết thư gửi giới công thương Việt Nam. Trong thư, Người đã gọi những nhà công thương Việt Nam là “ngài” đầy ân cần và trân trọng.

Ngày nay, khi lật lại những trang lịch sử thời kỳ đó, chúng ta nhiều người sẽ tự hỏi: Liệu có gì mâu thuẫn không, khi đó là những ngày tháng vận mệnh Chính phủ Cách mạng lâm thời do Bác Hồ đứng đầu đang “ngàn cân treo sợi tóc”, giặc Pháp đã nổ súng đánh chiếm Nam Bộ và đang ấp ủ âm mưu tái xâm chiếm cả nước; ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng tràn vào lấy cớ giải giáp phát xít Nhật, kéo theo bọn phản động âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ, Hồ Chủ tịch lại dành sự quan tâm đặc biệt đến giới doanh nhân và công thương - doanh nhân Việt Nam? Hãy đọc lại những dòng thư của Bác để thấy Người luôn ý thức sâu sắc “điểm tựa” cơ bản của đất nước ở hoàn cảnh nào đều là nhân dân mà doanh nhân là tầng lớp tinh hoa và ưu tú nhất: “… Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng... Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”. Như vậy là ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất, vị Nguyên thủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã khẳng định rõ chân lý “dân giàu thì nước mạnh”! Và vai trò của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ là “tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.

Đối với sự nghiệp chấn hưng kinh tế đất nước, doanh nghiệp phải là đầu tàu. Bác đã chỉ ra rằng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân. Xác định việc nước, việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là sự khẳng định về mối quan hệ mật thiết giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước.

Như vậy là bàn đến một phạm trù tưởng như khó khăn đó là lợi ích kinh doanh, Hồ Chí Minh đã thể hiện một cái nhìn rất giản dị, dễ hiểu nhưng nhất quán khi đề cập tới mối quan hệ giữa công và tư, giữa lợi ích của doanh nhân và lợi ích quốc gia. Bởi vậy, cũng trong bức thư nổi tiếng nói trên, Người viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia chính là động lực để phát triển, trong đó, lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu, là điều kiện đảm bảo cho sự thịnh vượng của mỗi cá nhân. 

Hợp tác kinh tế quốc tế để quốc gia phồn thịnh, phát triển

Có thể khẳng định tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo” đã được Hồ Chủ tịch thể hiện nhất quán ngay từ khi lập nước. Đó cũng là tiền đề để đoàn kết khối công thương cả nước dưới ngọn cờ của Đảng, giúp chính quyền non trẻ chiến thắng “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đánh đuổi các thế lực đế quốc, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn thời điểm sau khi lập quốc, được sự ủng hộ của giới công thương, các sự kiện như “Tuần lễ vàng”; “Quỹ Mùa đông chiến sỹ” do Chính phủ phát động đã thành công vượt bậc, giới công thương và người dân cả nước ủng hộ công quỹ kháng chiến hàng trăm kg vàng, hàng vạn tấm áo chiến sỹ.

Tầm nhìn khoáng đạt, vượt thời gian và không gian của Hồ Chí Minh về kiến quốc, về phát triển kinh tế được thể hiện cả trong điều kiện kháng chiến gian khổ và ác liệt. Đó là tháng 7/1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược gặp muôn vàn khó khăn, Hồ Chủ tịch vẫn rất quan tâm đến hợp tác kinh tế quốc tế để quốc gia phồn thịnh, phát triển. Khi phóng viên của Hãng thông tấn Indonesia Antar hỏi Người: “Liệu khi giành được độc lập, Việt Nam có hoan nghênh những sự đầu tư nước ngoài?”. Không ngần ngại, Bác Hồ đã trả lời: “… Nếu bất kỳ nước nào, trong đó có nước Pháp, muốn thiết lập quan hệ làm ăn với Việt Nam với thiện ý sẵn sàng hợp tác vì lợi ích của cả hai bên, thì Việt Nam sẽ hoan nghênh nước đó”. Như vậy là ngay cả khi đang chiến đấu cam go với kẻ thù để giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc sẵn sàng hợp tác với kẻ thù trong tương lai, nếu điều đó đảm bảo nền độc lập cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân Việt Nam.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. Việc thúc đẩy tinh thần “Quốc gia khởi nghiệp”, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo chắc chắn sẽ giúp nâng tầm đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bổ sung và phát triển đội ngũ ưu tú này lên một tầm cao mới, làm giàu nhiều hơn cho xã hội theo pháp luật. Đây đồng thời là việc thực hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh - di sản tinh thần và văn hóa vô giá của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chuyên đề