Hình dung bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 nhiều khả năng sẽ chứng kiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát giảm xuống và chấm dứt các đợt nâng lãi suất. Xét theo khu vực, nền kinh tế Mỹ có thể né được suy thoái, khu vực châu Âu tiếp nối đà giảm, trong khi châu Á nắm cơ hội để có tăng trưởng tốt hơn.
Morgan Stanley dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 có thể đạt khoảng 2,2%
Morgan Stanley dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 có thể đạt khoảng 2,2%

Những quyết định khó khăn bậc nhất

Chỉ trong thời gian ngắn vào cuối năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đưa ra thông báo về việc giảm đà tăng lãi suất, tuy nhiên giữ vững thông điệp rằng tình hình tài chính thắt chặt sẽ tiếp diễn, ngay cả khi nền kinh tế chịu tổn thương.

Nhu cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao, chuỗi cung ứng hàng hoá đứt gãy dẫn tới chi phí sản xuất kinh doanh gia tăng…, các yếu tố này đã khiến nền kinh tế toàn cầu đối diện với vấn đề lạm phát, tạo cơn đau đầu với giới chức quản lý mọi quốc gia. Dù vậy, một tin tốt cuối năm 2022 là lạm phát có dấu hiệu đã đạt đỉnh.

“12 tháng vừa qua chứng kiến đà tăng lãi suất nhanh nhất của Fed kể từ năm 1981, đồng thời cũng chứng kiến mức tăng lãi suất nhanh nhất của ECB kể từ khi thành lập khu vực đồng euro. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng hàng hoá đang hồi phục, thị trường lao động bớt căng thẳng, chúng ta có thể chứng kiến lạm phát giảm xuống. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho các nhà quản lý và có thể kỳ vọng vào tăng trưởng cao hơn trên toàn cầu”, Seth B. Carpenter, Trưởng Nhóm kinh tế toàn cầu tại Morgan Stanley cho biết.

Tất nhiên, lạm phát sẽ chưa sớm biến mất và các nhà làm chính sách tại cả Đức, Anh và Mỹ - 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế toàn cầu, hiện đối diện nhiệm vụ khó khăn: quyết định nên thắt chặt tiền tệ thêm tới mức nào trong bối cảnh cận kề suy thoái. Các quyết định này sẽ định hình nền kinh tế năm 2023, tác động tới tỷ giá, các điều kiện thương mại… Trong khi đó, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, có rủi ro điều chỉnh mạnh hơn cần thiết nếu nhà quản lý có bước đi sai lệch.

“Nền kinh tế châu Âu có thể suy giảm trong quý IV/2022 và quý I/2023 do khủng hoảng năng lượng, điều kiện tài chính thắt chặt, nhiều yếu tố bất ổn và các hoạt động thương mại toàn cầu yếu hơn”, ECB cho biết trong thông điệp mới nhất vào nửa cuối tháng 12/2022, đồng thời nhấn mạnh việc lãi suất “sẽ phải tăng đáng kể ở tần suất ổn định” ngay cả khi nền kinh tế giảm tốc.

Thông tin này ngay lập tức đẩy giá đồng euro lên cao hơn so với USD, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến đợt bán tháo 2 ngày sau phát ngôn mang tính “diều hâu” của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng tăng lãi suất từ 3% lên 3,5% và cho biết, cần thiết có thêm các đợt nâng lãi suất để lạm phát ổn định trở lại mức mục tiêu 2% mà BOE đặt ra.

Fed, ECB và BOE đã có những động thái quyết liệt và thông điệp rõ ràng, tiếp tục đi con đường hiện tại: thắt chặt điều kiện tín dụng và bước vào suy thoái. Đây được xem là một trong những quyết định chính sách tiền tệ khó khăn bậc nhất.

Ngân hàng trung ương các quốc gia nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát (Nguồn: Reuters)

Ngân hàng trung ương các quốc gia nâng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát (Nguồn: Reuters)

Năm 2023: Sóng gió khó qua nhanh

Cả 3 ngân hàng trung ương kể trên đều đã có động thái nâng lãi suất chậm dần. Tuy nhiên, Fed, ECB và BOE mang tới nỗi thất vọng cho người tiêu dùng và các thị trường tài chính khi giới đầu tư kỳ vọng có thể nhận được tín hiệu dừng, thậm chí đảo chiều lãi suất.

Theo các nhà quản lý, việc hạ lãi suất sẽ không xảy ra cho tới khi lạm phát giảm rõ ràng từ mức khoảng 6% hiện tại ở Mỹ, trên 10% tại Anh và khu vực đồng euro.

Nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo khả năng này sẽ xảy ra năm 2023, nhất là khi Fed đã nâng lãi suất lên mức 4,25% - 4,5% và dự kiến tăng ít nhất tới mức giữa 5% và 5,25% trong năm tới. Nghiên cứu của Fed cho thấy, nền kinh tế Mỹ kỳ vọng tăng trưởng 0,5% năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên.

Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo, nền kinh tế khu vực châu Âu sẽ giảm 0,2% năm 2023 khi khủng hoảng năng lượng tiếp tục kéo dài và chính sách tiền tệ duy trì trạng thái thắt chặt. “Chúng tôi cho rằng, ECB sẽ nâng lãi suất lên 2,5% trong quý I/2023 và có thể giảm lãi suất vào đầu năm 2024”, Jens Eisenchmidt, Kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Morgan Stanley cho biết.

Nhìn vào điều tích cực, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực đồng euro đang ở mức thấp kỷ lục (6,6%), cả lượng lao động và số lượng giờ làm đều ở mức cao hơn so với cuối năm 2019 (thời điểm đại dịch chưa xuất hiện).

Với nền kinh tế Anh, quốc gia này chứng kiến GDP tăng trưởng 7,5% năm 2021 và khoảng 4,2% năm 2022 (số dự báo). Tuy nhiên, với việc lạm phát đã lên 2 chữ số, GDP của Anh có thể giảm 1,5% trong năm 2023 - mức giảm lớn nhất trong các nền kinh tế lớn trên toàn cầu (trừ nước Nga).

Trong khi đó, triển vọng tại châu Á có phần tích cực nhất, với 3 nền kinh tế thuộc top đầu toàn cầu có chuyển biến rõ rệt.

Tại Trung Quốc, thị trường tiêu dùng có thể tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Báo cáo mới nhất của Morgan Stanley dự báo, GDP Trung Quốc sẽ tăng 5% trong năm tới khi mở cửa toàn bộ nền kinh tế, tăng mạnh so với dự báo 3,2% được đưa ra trước đó.

Với Ấn Độ, tăng trưởng GDP có thể duy trì ở 6,2% năm 2023 và 6,4% năm 2024, với 3 xu thế lớn: chuyển đổi số, dịch chuyển năng lượng và dịch chuyển hoạt động sản xuất toàn cầu. Ấn Độ đang theo đà vượt Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sở hữu thị trường chứng khoán lớn nhất toàn cầu cho tới năm 2030.

Còn với Nhật Bản, nền kinh tế phát triển với tình trạng già hóa dân số có thể duy trì tăng trưởng khoảng 1,2% trong năm 2023.

Đáng chú ý, sức mạnh của châu Á không hoàn toàn phụ thuộc vào 3 nền kinh tế lớn nhất kể trên. Nhiều quốc gia trong khu vực có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới với mức tăng vượt trội so với bình quân trên toàn cầu. Sức mạnh tăng trưởng từ châu Á có thể tạo tác động lớn thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, cải thiện chuỗi cung ứng, giúp giảm giá thành và kiềm chế lạm phát. Điều này cho phép các thị trường mới nổi có thể vượt ra khỏi sự thống trị bởi sức mạnh đồng USD.

Từ nay tới cuối năm 2023, thế giới sẽ phải đối diện với nhiều sóng gió, từ việc kinh tế suy thoái, “hấp thụ” tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, những bất ổn liên quan tới chính sách phòng chống Covid-19 của Trung Quốc và bất kỳ cú sốc nào khác tới từ chính sách tiền tệ thắt chặt…

Trong bối cảnh này, Morgan Stanley dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt khoảng 2,2%, “né” được suy thoái, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng 3% năm 2022.

Chuyên đề