Ảnh Internet |
Hiệu quả phát hiện tham nhũng thấp
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác PCTN năm 2016, Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh cho biết, Lào Cai là địa phương đạt điểm cao nhất trong Bảng xếp hạng về hiệu quả công tác PCTN năm 2016 với 77,67 điểm; tiếp đến là Phú Thọ (76,05 điểm), Hưng Yên (73,32 điểm). 2 thành phố lớn là TP.HCM và TP. Hà Nội lần lượt đạt 69,67 điểm, 65,34 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc (13,8 điểm), trong đó thấp nhất là Vĩnh Long (43,53 điểm), Điện Biên (43,85 điểm). Khoảng cách giữa các địa phương có điểm cao nhất và thấp nhất chênh lệch tới 34,13 điểm.
Cũng theo ông Thanh, năm 2016, hiệu quả việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giải quyết tố cáo tham nhũng được ghi nhận là rất thấp, chỉ đạt 25,77% và 23,21% so với yêu cầu. Đặc biệt, nhiều địa phương như An Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Nam Định trong năm không phát hiện ra bất cứ một vụ tham nhũng nào.
Điều đáng nói, trong khi hiệu quả việc phát hiện tham nhũng qua kiểm tra nội bộ không cao thì theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc TTCP, thực tế năm 2016 lại ghi nhận có nhiều vụ tham nhũng lớn đã được phát hiện từ tố cáo của người dân và cơ quan truyền thông.
Đánh giá về kết quả này, ông Đạt nhận định, đó là do nhiều địa phương đã thực hiện chưa tốt chỉ đạo từ cấp trên cũng như các quy định của Luật Chống tham nhũng. Việc các hành vi tham nhũng bị xử lý còn ít chưa thể hiện quyết tâm của hệ thống chính trị địa phương trong công tác PCTN và chưa phản ánh đúng thực trạng của công tác này.
Chỉ 1 địa phương phát hiện trích ngân sách mua tặng quà
Trong số 7 lĩnh vực được sử dụng để đánh giá hiệu quả công tác PCTN, minh bạch tài sản, thu nhập, việc thực hiện nộp lại quà tặng và tặng quà mặc dù được cho là thiết chế quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, nhưng thực tế công tác này lại chưa được thực hiện hiệu quả và còn mang tính hình thức.
Kết quả xác minh tài sản thường không đạt điểm và không phát hiện ra trường hợp nào kê khai không trung thực. Cứ 10.000 người thực hiện kê khai thì chỉ có 1 người được xác minh tài sản thu nhập. Một số địa phương như Lạng Sơn, Sơn La, Bình Phước, Cao Bằng, Bình Dương không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Hiệu quả của việc thực hiện nộp lại quà tặng và tặng quà cũng rất thấp. Cả nước chỉ có một địa phương (An Giang) phát hiện được sai phạm trong việc trích tiền ngân sách mua tặng quà (1,2 triệu đồng). Kết quả này cho thấy biện pháp này chưa hiệu quả hoặc còn mang tính hình thức.
Về nội dung công khai minh bạch, TTCP đánh giá, tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong một số cơ quan, đơn vị, các quy định về dân chủ, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, có nơi thậm chí bị cản trở, vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý. Xét theo 4 lĩnh vực được yêu cầu công khai, lĩnh vực đầu tư, mua sắm công có điểm số thấp nhất (62,82 điểm), tiếp đó là công khai công tác tổ chức cán bộ (64,19 điểm), công khai trong lĩnh vực tài chính ngân sách nhà nước (64,24 điểm), và công khai trong lĩnh vực đất đai và tài nguyên (65,44 điểm).
Riêng đối với lĩnh vực đầu tư, mua sắm công, về căn bản các chủ đầu tư (sở, ngành) được hướng dẫn thực hiện công bố công khai thông tin về mua sắm, đầu tư dự án tại các địa bàn thực hiện và được thực hiện đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, chất lượng trong hoạt động đấu thầu được nâng cao. Một số đơn vị và địa phương đã thực hiện công khai thông tin đấu thầu qua Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hoạt động này đã hạn chế được tình trạng thông thầu, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư mua sắm.