Hiện tượng nhiều bộ, ngành, địa phương trả lại kế hoạch vốn đầu tư công: Không thể cứ khó tiêu là xin trả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm nay là năm thứ ba liên tiếp xuất hiện tình trạng nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có văn bản đề nghị “trả lại” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (NSTW), đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài… Theo nhiều ý kiến, chuyện xin trả vốn gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực công, vì thế cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư, không để “điệp khúc” này tiếp tục lặp lại.
Việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư dự án, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư dự án, gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nơi trả, không nơi nào nhận

Từ năm 2020 đến nay, xuất hiện tình trạng bộ, cơ quan trung ương và địa phương có văn bản đề nghị “trả lại” vốn, nhất là vốn ODA do không giải ngân được (năm 2020 là trên 14 nghìn tỷ đồng, năm 2021 là trên 20 nghìn tỷ đồng). Năm 2022, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương xin giảm, điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công với tỷ lệ lớn.

Tính đến 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 8 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng (không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm) và địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thực chất đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, trong đó, những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được quen gọi là “trả lại” kế hoạch vốn. Tuy nhiên, để có thể điều chỉnh kế hoạch vốn, phải đáp ứng điều kiện có nơi tăng, nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua. Đến nay, số vốn xin điều chỉnh giảm là hơn 12 nghìn tỷ đồng, nhưng Bộ KH&ĐT chưa nhận được yêu cầu xin bổ sung vốn của bất kỳ địa phương nào, nên không có cơ sở tổng hợp, cân đối, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bộ KH&ĐT nêu rõ quy định tại Luật Đầu tư công, việc lập kế hoạch phải dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được giao kế hoạch cho dự án theo đề xuất, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lại xin trả lại khi xuất hiện vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn... Việc xin giảm vốn gây ra nhiều hệ lụy và tạo áp lực rất lớn cho việc bố trí kế hoạch vốn các năm sau. Bởi lẽ, số vốn kế hoạch đã bố trí nếu không được giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán theo quy định, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải bố trí bổ sung bằng kế hoạch vốn năm sau để dự án được triển khai liên tục. Điều này không chỉ tác động tới công tác lập kế hoạch, mà còn ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành, hiệu quả đầu tư dự án, gây lãng phí cơ hội và nguồn lực....

Siết kỷ luật, kỷ cương đầu tư công

Tại hội nghị về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu quan điểm về nguyên tắc không đặt vấn đề hoàn trả vốn, bởi dự toán đã giao thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn. Chưa kể, đối với phần vốn nước ngoài, dù hoàn trả nhưng cả Trung ương và địa phương vẫn phải trả chi phí cam kết vốn, lãi vay.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong phiên họp thường kỳ tháng 11, cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương không trả lại kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2022, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ KH&ĐT, kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh. Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất “trả lại” kế hoạch là không thực hiện nghiêm chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Thủ tướng, có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, nên chăng cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp trả lại kế hoạch.

Ông Lê Hữu Trí, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc trả lại vốn do không giải ngân được ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nguồn lực của quốc gia. Đây là điều “không thể chấp nhận” vì đất nước còn nghèo, phải đi vay để đầu tư, nhiều lĩnh vực cần thiết, công trình trọng điểm còn thiếu vốn. Vì thế, cần phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kiên quyết thu hồi vốn, hủy dự toán và không bố trí lại. Vốn thu hồi để đầu tư cho công trình trọng điểm của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Cùng với thu hồi vốn, ông Lê Hữu Trí nhấn mạnh cần yêu cầu bộ, ngành, địa phương trả vốn phải có báo cáo giải trình rõ nguyên nhân, làm rõ và kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân khi không giải ngân được vốn.

Chuyên đề