Một góc khu đô thị Linh Đàm. |
Theo Báo cáo “Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành Xây dựng”, cả nước đã có 51 địa phương triển khai thực hiện lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Một số địa phương đã hình thành các khu vực phát triển đô thị; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các dự án mới theo quy định, từng bước tạo sự thống nhất trong quy trình triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị; ban hành các quy định quản lý về phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong năm 2017, Bộ đã công nhận phân loại cho 12 đô thị, các địa phương đã thẩm định, công nhận đối với 11 đô thị loại V. Đến nay, toàn quốc có 813 đô thị (tăng 11 đô thị loại V so với năm 2016), bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016).
Đơn cử, 2 đô thị loại I gồm TP. Thủ Dầu Một; TP. Bắc Ninh; 05 đô thị loại III gồm TX. Sầm Sơn; TX. Gò Công; TX. Dĩ An; TX. Thuận An; TX. La Gi. 6 vùng kinh tế trọng điểm, vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là Đông Nam bộ: 71,7%; vùng có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc: 21,9%.
Có được những kết quả đáng ghi nhận trên, trong năm 2017, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 đồ án và 03 nhiệm vụ quy hoạch; tổ chức thẩm định nhiệm vụ 02 đồ án quy hoạch chung khu chức năng đặc thù, 05 đồ án quy hoạch vùng; hoàn thành việc tổ chức lập, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ 02 đồ quy hoạch vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổ chức nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch cho một số vùng liên tỉnh, khu chức năng đặc thù ; hoàn thành nghiên cứu thí điểm 08 thiết kế đô thị mẫu đặc trưng theo vùng, miền ; công bố và tổ chức thực hiện 02 đồ án quy hoạch vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017.
Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99,4%. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng đang triển khai kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn về quản lý xây dựng theo quy hoạch nông thôn mới tại các địa phương; tổ chức triển khai đề án “Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổ chức triển khai thực hiện các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2016)...
Để nối tiếp công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các điều kiện yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển xanh.
Nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược phát triển đô thị quốc gia, xây dựng Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2020-2030, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam. Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó tập trung nghiên cứu: Lồng ghép những nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong các văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới; Xây dựng khung hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến đô thị và hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho đô thị; Điều chỉnh định hướng quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025 có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; Rà soát quy hoạch chung các đô thị thuộc Vùng Duyên hải Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đề xuất nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị...
Hướng dẫn một số nội dung về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về phát triển đô thị theo hướng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đang tiếp tục huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị (dự án phát triển tăng trưởng xanh, dự án phát triển đô thị loại vừa, dự án đô thị động lực...), hạ tầng kỹ thuật.