Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh:Reuters |
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có cuộc gặp song phương đầy đủ nghi thức ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cả hai ở Đức để tham dự hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn thế giới (G20) tại Hamburg, Đức ngày 7-8/7, theo AP. Nhưng ý tưởng này đã phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong chính quyền Mỹ về cách tiếp cận Moscow, trong khi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang diễn ra.
Nhiều quan chức Mỹ tin rằng vào thời điểm này Washington cần duy trì khoảng cách với Moscow và tương tác với họ thật thận trọng.
Tuy nhiên, Trump và một số người khác trong chính quyền đang thúc giục tổ chức một cuộc họp song phương đầy đủ giữa hai bên. Trump cũng muốn cho truyền thông tiếp cận cuộc gặp này và thực hiện tất cả giao thức thường đi liền với các phiên họp như vậy, ngay cả khi các quan chức Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ kêu gọi tiết chế, theo một quan chức chính phủ đương nhiệm và cựu quan chức giấu tên.
Một số cố vấn khuyến cáo rằng Tổng thống Mỹ chỉ nên gặp người đồng nhiệm Nga nhanh chóng, không chính thức bên lề hội nghị thượng đỉnh hoặc các phái đoàn Mỹ và Nga tổ đối thoại về ổn định chiến lược - loại hoạt động thường không có sự có mặt của các tổng thống.
Khi được hỏi về việc AP đưa tin ông Trump muốn có cuộc gặp song phương đầy đủ với ông Putin, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo sẽ cùng tham dự một sự kiện tại cùng một địa điểm nên trong bất cứ trường hợp nào, hai ông cũng sẽ có cơ hội gặp mặt. Ông Peskov nói thêm rằng chưa có tiến triển trong việc vạch ra các chi tiết của cuộc gặp.
Các cuộc họp song phương thường diễn ra tại các hội nghị thượng đỉnh như G20, nơi nhiều nhà lãnh đạo thế giới và cố vấn tập trung ở một nơi. Các cuộc họp thường được lên kịch bản cẩn thận, từ cách hai nhà lãnh đạo bắt tay, ánh nhìn cho đến phát ngôn.
Cuộc gặp giữa Trump và Putin có thể mang lại nhiều kết quả. Gặp mặt trực tiếp có thể giúp hai bên giao tiếp tốt hơn là trao đổi qua điện thoại. Trump đã nhiều lần nói rằng ông có thể thay thế những rạn nứt trong mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Obama bằng một quan hệ đối tác, đặc biệt là trong các vấn đề như xung đột Syria.
Tuy nhiên, cũng có những rủi ro trong cuộc gặp. Ông Trump thường không làm theo kịch bản có sẵn nên có nguy cơ xảy ra sự cố ngoại giao. Theo một quan chức chính quyền cấp cao, trong một cuộc họp ngắn tại Phòng Bầu dục với các nhà ngoại giao Nga tháng trước, Trump đã tiết lộ những thông tin mật do Israel cung cấp về mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đối với các hãng hàng không. Nhà Trắng nói rằng việc tiết lộ là "hoàn toàn thích hợp" còn phía Nga cho rằng đây không được coi là thông tin mật.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh:Reuters
"Ông Putin biết cách chuyển cuộc đối thoại sang hướng có lợi cho ông ấy", Kalugin nói.
Nina Khrushcheva, giáo sư về vấn đề Nga tại New School, cho biết Trump ở trong thế khó khi gặp Putin.
"Ông ấy không thể quá niềm nở với ông Putin bởi vì mọi người sẽ cho rằng ông ấy có mối quan hệ đặc biệt với Nga", bà nói. "Nhưng Trump cũng không thể quá cứng rắn. Ông ấy cần phải hoàn thành lời hứa trong chiến dịch tranh cử về thiết lập quan hệ tốt đẹp hơn với Nga".
Nhà Trắng cho biết chưa có quyết định cuối cùng liệu cuộc gặp có diễn ra hay không. Họ không trả lời những câu hỏi về các quan điểm trái ngược trong chính quyền.
Một cựu quan chức giấu tên nói rằng các cố vấn chính sách đối ngoại Mỹ đang ngày càng thất vọng khi Nhà Trắng không áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn đối với Nga. Tình báo Mỹ cho rằng Nga đứng sau cuộc tấn công vào hệ thống email của đảng Dân chủ năm ngoái và cố gắng tác động đến cuộc bầu cử năm 2016 theo hướng có lợi cho Trump.
Trump phải nói trực tiếp với Putin rằng: "Chúng tôi không vui vì ông can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi", Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nhận xét. "Nếu Trump không nói như vậy, ông ấy sẽ bị báo chí và quốc hội Mỹ chỉ trích và quốc hội Mỹ sẽ thông qua lệnh cấm vận với Nga", ông Pifer nói thêm.
"Họ cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào cuộc gặp", Pifer bình luận.