Carillion là hãng xây dựng lớn thứ 2 tại Anh - Ảnh: Getty Images |
Hãng xây dựng khổng lồ của Anh Carillion ngày 15/1 cho biết sẽ tiến hành phát mãi tài sản để trả khối nợ lên tới 1,5 tỷ Bảng Anh, sau khi thất bại trong các cuộc đàm phán về một kế hoạch giải cứu với các chủ nợ và chính phủ Anh, BBC cho biết.
"Chúng tôi không đủ năng lực tài chính để duy trì các kế hoạch kinh doanh và rất tiếc khi phải đi đến quyết định này", Chủ tịch Carillion - Philip Green nói trong thông cáo.
Vấn đề đáng lo ngại nhất bởi khi Carillion sụp đổ là sự gián đoạn và những rắc rối có thể xảy ra đối với các dịch vụ công cộng của Anh bởi công ty này đang nắm giữ hàng trăm hợp đồng xây dựng, quản lý, bảo trì dự án với chính phủ.
Theo BBC, là hãng xây dựng lớn thứ 2 tại Anh, Carillion hiện có 19.000 nhân viên tại Anh, chiếm gần 50% tổng lực lượng lao động. Anh cũng chiếm khoảng 3/4 doanh thu của công ty này. Đây cũng là một trong những nhà cung cấp cho các dịch vụ công cộng lớn thứ 2 tại Anh.
Carillion nằm trong nhóm công ty có hợp đồng xây dựng một phần đường sắt cao tốc HS2 sắp tới, đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ bảo trì lớn thứ hai của tuyến đường sắt Network Rail.
Công ty này cũng có hợp đồng bảo trì cho 50.000 căn nhà của Bộ Quốc phòng, quản lý gần 900 trường học, đường cao tốc và nhà tù tại Anh.
Vốn hoá của Carillion đã sụt 90% kể từ tháng 7/2017. Nguồn: Bloomberg/BBC.
Ngoài Anh, Carillion có hoạt động kinh doanh tại Canada, Trung Đông và Caribe với tổng cộng 43.000 nhân viên.
Năm 2016, doanh thu của công ty đạt 5,2 tỷ Bảng Anh và có vốn hoá gần 1 tỷ Bảng Anh vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá cổ phiếu công ty này sụt mạnh, làm "bay hơi" 90% vốn hoá xuống chỉ còn 61 triệu Bảng Anh.
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ này, một số nhà phân tích cho rằng Carillion đã lao vào quá nhiều hợp đồng rủi ro mà không mang lại lợi nhuận. Công ty này cũng phải đối mặt với tình trạng chậm thanh toán tại thị trường Trung Đông. Tình trạng này khiến việc xoay xở với khối nợ 1,5 tỷ Bảng Anh càng trở nên khó khăn.
Tháng 12 năm ngoái, công ty này phải thuyết phục các ngân hàng giãn thời gian trả nợ. Tuy nhiên, các ngân hàng gồm Santander UK, HSBC và Barclays, đều không muốn cho Carillion vay thêm bất cứ khoản nào.
Chính trị gia Đảng Lao động Jon Trickett trước đó đã nói với Nghị viện rằng nếu Carillion sụp đổ, một loạt dịch vụ công sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng".
Hàng nghìn nhân viên của Carillion có nguy cơ mất việc làm khiến các công đoàn lên tiếng thúc giục chính phủ bảo vệ họ. Trong khi đó, chính phủ Anh cho biết sẽ cấp vốn để duy trì các dịch vụ công do công ty này đang đảm nhận.
Vụ phá sản của Carillion diễn ra trong bối cảnh Anh đang hoàn tất quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu EU (còn gọi là Brexit). Nước Anh được dự báo mất khoảng 500.000 việc làm và 50 tỷ Bảng vốn đầu tư trong vòng 12 năm tới nếu không thể đạt một thỏa thuận thương mại với EU khi rời khối - trường hợp thường được gọi là "Brexit cứng".