Hàng Việt đối mặt “cơn bão giá rẻ” xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Taobao, 1688, Shein, Temu… đã tạo nên một làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Hiện còn nhiều ý kiến nghi ngờ về những lợi ích thực sự mà người tiêu dùng nhận được từ hàng loạt chương trình khuyến mại, hạ giá hàng hóa trên các nên tảng này, nhưng không thể phủ nhận doanh nghiệp (DN) trong nước đang đứng trước thách thức lớn khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt.
Điểm nổi bật của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam gần đây là hàng hóa có giá rẻ, sản phẩm đa dạng, thời gian giao hàng rất nhanh. Ảnh: Nhã Chi
Điểm nổi bật của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam gần đây là hàng hóa có giá rẻ, sản phẩm đa dạng, thời gian giao hàng rất nhanh. Ảnh: Nhã Chi

Áp lực cạnh tranh

Gần đây, Temu - sàn TMĐT xuyên biên giới giá rẻ của Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trước đó, từ tháng 8/2024, Taobao - nền tảng TMĐT của Alibaba (Trung Quốc) cũng cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí với sản phẩm thời trang áp dụng cho người dùng tại Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… Nền tảng này chưa hỗ trợ tiếng Việt, song đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ người dùng Việt Nam…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Khoa học dữ liệu (Metric) cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng qua 5 sàn TMĐT lớn nhất đạt 227.700 tỷ đồng, sản lượng đạt 2.430 triệu sản phẩm, tăng lần lượt 37,66% và 49,8% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý III/2024, doanh số là 84.750 tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý trước.

Theo ông Tuấn, sự đổ bộ của các nền tảng bán hàng xuyên biên giới vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, khiến DN trong nước, từ DN sản xuất tới phân phối chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Hiện phí ship cho một đơn hàng từ TP.HCM ra Hà Nội khoảng 20.000 - 30.000 đồng, nhưng Temu giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam gần như không mất phí ship hoặc với mức chi phí rất thấp. Dữ liệu của Metric cho thấy, điểm nổi bật của các sàn TMĐT xuyên biên giới vào Việt Nam gần đây là hàng hóa có giá rẻ nhờ chi phí vận chuyển thấp, sản phẩm đa dạng, thời gian giao hàng rất nhanh.

Ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho rằng, sự xuất hiện của Temu cũng như một số sàn TMĐT gần đây đã gây ra nhiều lo lắng, nhưng đây không phải là diễn biến bất ngờ, bởi thực tế vấn đề này đã được cảnh báo từ lâu.

Đề cập về lợi thế của các sàn TMĐT xuyên biên giới, ông Minh cho rằng, trước hết là giá thành rất rẻ do DN sản xuất với số lượng lớn. Temu nhập hàng từ nhà sản xuất, bỏ qua tối đa các khâu trung gian, tiết giảm chi phí nhờ tổ chức tốt khâu logistics và có số lượng đơn hàng lớn. Hơn nữa, các nhà sản xuất làm chủ được nguồn nguyên liệu, không mất chi phí nhập khẩu đầu vào, giúp giá thành sản phẩm rẻ hơn…

Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics của Việt Nam đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, chiếm tới 16,8 - 17% GDP, trong khi trung bình toàn cầu chỉ là 10,6%. Điều này khiến DN Việt khó cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Đổi mới tư duy, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt

Gợi mở giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước trước “cơn bão” hàng giá rẻ từ các sàn TMĐT xuyên biên giới, ông Lê Minh cho rằng, cơ quan quản lý cần đưa ra “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát chất lượng hàng hóa nước ngoài đưa vào Việt Nam. Đồng thời, đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập qua các sàn TMĐT, bởi hiện nay hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và VAT.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đổi mới hơn nữa tư duy quản lý nhằm tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh. “Nhiều DN logistics Việt Nam muốn muốn thuê đất để làm kho bãi, mở rộng hoạt động kinh doanh nhưng gặp khó khăn về thủ tục. Nếu DN nào lớn nhanh thì lại thường xuyên bị kiểm tra…”, chuyên gia cho biết.

Đồng quan điểm, đại diện Metric cho rằng, cần có quy định rõ ràng về khai báo, thuế, chăm sóc khách hàng, thông tin xuất xứ hàng hóa, DN sản xuất/phân phối…, bởi hiện nhìn vào gian hàng của các sàn TMĐT xuyên biên giới, không biết đó là hàng hóa của DN nào, có uy tín hay không…

Với các DN nội, để trụ lại trên thương trường cần nâng cao năng lực quản trị, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyển dịch số, chuyển dịch xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Về phía cơ quan chức năng, ngày 26/10, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý TMĐT nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới; chủ động yêu cầu sàn TMĐT tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam… Đơn vị quản lý thị trường tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư