Mưa kéo dài trong những ngày qua khiến cho lối vào các chung cư trở nên lầy nhếc nhác, bẩn thỉu. |
Được biết, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) hay còn gọi là dự án Ecolife Tây Hồ thuộc khu đô thị mới Tây Hồ Tây, phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) được đầu tư bởi VKSNDTC và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô. Dự án xây dựng nhằm giải quyết nhu cầu khó khăn về nhà ở cho cán bộ của VKSNDTC.
Được khởi công từ tháng 4/2015, đến nay, toàn bộ công trình dự án đã được hoàn thành. Các hạng mục như phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các hệ thống giao thông, công trình kết nối với khu vực xung quanh trong phạm vi cho phép… cũng như các yếu tố an toàn kĩ thuật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và nghiệm thu. Bên cạnh đó, các khu vực cảnh quan phục vụ đời sống cư dân đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, điều đáng nói, hiện tại, lối vào duy nhất của dự án là con đường đất chạy ven mương, không có rào chắn, không đèn chiếu sáng, đầy ổ gà và nguy hiểm hơn nữa là đi chung với hàng loạt xe công trình ra vào ngày đêm của các công trình xây dựng quanh khu vực này.
Đây cũng là lối ra vào duy nhất này và một số công trình phía bên trong như dự án nhà tái định cư, trụ sở mới của một cơ quan Bộ, dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên Học viện Quốc phòng, dự án Bắc Hà...
Theo lý giải của ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, đi qua dự án Ecolife Tây Hồ là có 2 đường: tuyến đường số 1 Nguyễn Văn Huyên kéo dài và tuyến đường A1 của tuyến khung của dự án Starlake Tây Hồ Tây. Liên quan tuyến này còn 4 dự án gồm: hợp phần khu tái định cư Xuân La 2, Ecolife tây hồ, dự án nhà ở C44, C51 của Bộ Quốc phòng.
Ông Tiến ghi nhận hiện có 2 dự án đã đi vào hoàn thành nhưng đang vướng mắc đồng bộ hạ tầng. Tuyến số 1 Nguyễn Văn Huyên chưa hoàn thành thì cũng gây vướng mắc cho chủ đầu tư, đặc biệt là cư dân nhận nhà và gây phiền toái khác trong quá trình vận hành. Chính quyền địa phương đã nắm bắt được vấn đề qua phản ánh cư dân và công luận.
“Tuy nhiên, có 2 việc, thực ra chủ đầu tư chỉ được giao đất trong khuôn viên của họ thôi, còn ngoài khuôn viên, cụ thể là đường giao thông là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay vướng 2 vấn đề là giải phóng mặt bằng và tiến độ.
Về giải phóng mặt bằng, do từ 1/7/2014 trở về trước thì triển khai theo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi bổ sung, từ 1/7/2014 thì theo Luật 2013, Nghị định 43, 47 và tới đây 3/3/2017 theo Nghị định 01 điều chỉnh bổ sung Nghị định 43, 47. Chính sách đền bù của nhà nước thay đổi theo hướng giảm đi nên sự đồng thuận của nhân dân chưa cao” – ông Lê Tiến nói.
Về tiến độ, theo ông Tiến, đường A1 phía trước Ecolife thì về cơ bản thông từ Nguyễn Văn Huyên kéo dài lên tuyến mương gọi là A1.1, từ mương lên Võ Chí Công là A1.2. trong kế hoạch thành phố yêu cầu trong tháng 6/2017 giải phóng mặt bằng xong và tháng 9/2017 phải hoàn thành.
“Theo kế hoạch, chúng tôi đang đề nghị phối hợp với Chi nhánh phát triển quỹ đất đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và yêu cầu nhà thầu có mặt bằng đến đâu thi công tới đó, đảm bảo tới tháng 9/2017 có 2 làn đường, ít nhất có 1 làn để cư dân sử dụng. Chúng tôi mong muốn có tuyến đường 40m hoàn thành, trong đó 1 làn để cư dân sử dụng ổn định, 1 làn xe công trường vận chuyển…” – ông Lê Tiến khẳng định.
Phía chủ đầu tư dự án Ecolife trong quá trình thi công và hoàn thiện dự án liên tục có văn bản kiến nghị và đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng xem xét báo cáo UBND TP Hà Nội sớm triển khai hoàn thiện kết nối hạ tầng các dự án để đáp ứng nhu cầu đi lại chính đáng của cư dân và giảm áp lực lên chủ đầu tư trước thời hạn bàn giao nhà cho khách hàng.
Việc đi lại của người dân và cuộc sống của các cư dân sắp chuyển về đây cũng bị ảnh hưởng.
Theo giải thích của chủ đầu tư dự án Ecolife Tây Hồ, đường 40m nối thông từ Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công thuộc dự án Tây Hồ Tây nên không can thiệp được, phải chờ tiến độ của dự án này. Trong thời gian chờ đợi, cư dân sẽ tạm thời sử dụng con đường mương kể trên.
Cũng theo chủ đầu tư, hiện tại, gần 300 căn hộ thương mại đã nộp tiền đợt cuối và nhận nhà và bắt đầu rải rác chuyển về ở.
Với việc không có đường đi đảm bảo chất lượng đã và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hơn 600 hộ dân sắp về đây sinh sống. Chưa kể, việc bán hàng của chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
Việc đi lại gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều quy hiểm.
Một người phụ nữ phải tạt vào làn đường tránh xe tải đi qua.
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã liên tục kiến nghị và đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội xem xét báo cáo UBND TP. Hà Nội sớm triển khai hoàn thiện kết nối hạ tầng với các dự án lân cận, đến nay, đường vào dự án vẫn chưa được xây dựng.