Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19/5/2018 nêu rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác cán bộ, gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; Một số nội dung cơ bản về công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.
Để thực hiện 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong công tác cán bộ, Nghị quyết yêu cầu tập trung vào hai trọng tâm và năm đột phá.
Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Năm đột phá là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương;
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền;
Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện;
Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài;
Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Về tổ chức thực hiện, Trung ương giao Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc làm thường xuyên và những việc theo lộ trình; phân công cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể để thực hiện Nghị quyết.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, khẩn trương thể chế hóa các nội dung Nghị quyết, nhất là những việc cần phải làm ngay; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ.
Các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định, quy chế, ban hành hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng Kế hoạch để triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện và thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.