Hải Phòng khởi công dự án khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Dự án khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ vốn đầu tư gần 430 tỷ đồng từ ngân sách thành phố được khởi công ngày 3/5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc phát hiện di chỉ khảo cổ Cánh đồng Cao Quỳ giúp thế hệ đương đại và mai sau có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống Bạch Đằng Giang; nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông trên sông Bạch Đằng...

Ông yêu cầu việc triển khai dự án khu bảo tồn cần thực hiện cẩn trọng theo từng giai đoạn, hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng khu di tích. Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên cần quan tâm công tác tái định cư cho người dân di dời để hoàn thành đồng bộ dự án.

Tuyến đường dẫn vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ dài gần 4 km được khởi công xây dựng.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết sự thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục để đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Dự án có 2 hợp phần gồm tuyến đường dẫn vào khu bãi cọc và khu bảo tồn bãi cọc. Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ dài gần 4 km, rộng18-22m, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; trong đó mặt đường rộng 12 m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5 m...

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ diện tích khoảng 30.680 m2, bao gồm hệ thống tường bao tổng chiều dài 724 m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật - cọc gỗ có diện tích 360 m2, khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000 m2...

Trước đó, ngày 1/10/2019, trong lúc đào đất trồng cau tại cánh đồng Cao Quỳ, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện cọc gỗ cổ nghi là cọc của nhà Trần chống giặc ngoại xâm. Từ đây, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử nhận định cánh đồng Cao Quỳ chính là di tích bãi cọc liên quan trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Mông Nguyên. Vị trí bãi cọc là sông Đá Bạch xưa.

Ngày 18/12/2019, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim, sến, táu... phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính 20-50 cm, chôn cách nhau 5-7 m. Cọc được đóng xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, hoặc nghiêng 20-15 độ theo hướng tây, nam.

Chuyên đề