Cầu vượt chữ C dài hơn 300m, rộng 9m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 cùng khó khăn trong việc di chuyển công trình ngầm khiến dự án bị chậm tiến độ.
Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ Chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông hai chiều.
Công trình nhằm nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch-Tôn Thất Tùng-Đông Tác, giải quyết tình trạng ùn tắc lâu nay tại khu vực này.
Khi mặt đường Tôn Thất Tùng được mở rộng, thành phố sẽ xây dựng bổ sung nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng và khớp nối với nhánh Phạm Ngọc Thạch, tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh.
Ngay sau lễ thông xe, lực lượng chức năng tổ chức lại giao thông tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch.
Theo đó, tại khu vực nút giao Lương Định Của-Phạm Ngọc Thạch, cơ quan chức năng cấm các phương tiện quay đầu trên đường Phạm Ngọc Thạch (theo hướng từ cầu vượt đến nút giao Lương Định Của); cấm các xe ô-tô trên đường Phạm Ngọc Thạch (hướng từ Đào Duy Anh đi Chùa Bộc) rẽ trái vào phố Lương Định Của.
Các phương tiện ô tô từ Phạm Ngọc Thạch muốn rẽ trái vào Lương Định Của đi theo các hướng: Phạm Ngọc Thạch-Đào Duy Anh-Hoàng Tích Trí-Lương Định Của hoặc Phạm Ngọc Thạch-Đông Tác-Lương Định Của hoặc quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Phạm Ngọc Thạch (gầm cầu vượt) đi Lương Định Của.
Còn trên tuyến đường Hoàng Tích Trí, điều chỉnh tổ chức giao thông ô-tô một chiều trên tuyến đường Hoàng Tích Trí theo chiều và đoạn từ Đào Duy Anh đến Lương Định Của.
Các phương tiện bị cấm đi lên cầu gồm: xe thô sơ và người đi bộ; ô-tô tải, xe khách; xe buýt, các loại xe máy kéo, xe máy thi công chuyên dùng, các loại phương tiện có chiều cao quá 3,5m.