Hà Nội đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(BĐT) - Trước thực tế nhiều doanh nghiệp công ích trong lĩnh vực thuỷ lợi, liên quan đến giáo dục và đào tạo, phát thanh - truyền hình gặp khó khăn do một số điều kiện bất khả kháng chưa thể tổ chức đấu thầu được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo, cho các địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian đầu triển khai Nghị định 32/2019/NĐ-CP. 
Hà Nội đề xuất một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông được lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu
Hà Nội đề xuất một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông được lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu

Theo ông Huệ, tăng trưởng của Hà Nội trong quý I/2020 là 3,72% trong bối cảnh bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Thu ngân sách của Thành phố đạt khoảng 72.694 tỷ đồng, bằng 26% tổng dự toán, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết, về đầu tư công, trong 5 năm 2015 - 2020, tổng kế hoạch đầu tư công của Hà Nội là 107.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng kế hoạch cả nước. Trong 4 năm qua, Hà Nội đã giải ngân 86% vốn được giao, số còn lại năm 2020 và số dồn từ kỳ trước khoảng 37.000  tỷ đồng có thể tiếp tục giải ngân. Bên cạnh đó, thu ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30.000 - 33.000 tỷ đồng so với kế hoạch, nhưng Thành phố quyết tâm không cắt giảm đầu tư công, tiếp tục thực hiện mục tiêu giải ngân. Hà Nội sẽ bù bằng cách tiếp tục giảm thêm 5% chi phí chi thường xuyên sau khi đã cắt giảm 10% so với mức dự đoán trước đây.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại vì dịch bệnh, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; giải quyết hết tất cả các điểm nghẽn đầu tư công. Năm nay, Hà Nội có 125 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 thì quý I/2020 đã hoàn thành 25 dự án; còn 84 dự án mới thì tới nay đã khởi công giải ngân được 30 dự án, còn lại đã xong chủ trương đầu tư, đang tìm hoặc đã tìm xong nhà thầu và sẽ giải ngân từ nay tới cuối năm 2020.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện, giúp giảm hàng trăm ngày trong quy trình giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng.

Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, giáo dục và đào tạo, phát thanh - truyền hình, Bí thư Thành ủy đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông để trình Thủ tướng được lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở Kiểm toán Nhà nước vào cuộc rà soát, kiểm định trước dự toán và cắt giảm trước khoảng 5 - 7% dự toán để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Chuyên đề