Người dân đeo khẩu trang phòng Covid-19 khi dạo quanh Hồ Gươm. |
Ngày 29/3, tại buổi họp trực tuyến của Thủ tướng với 5 tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất một số biện pháp nhằm ngăn dịch lây lan trong 1-2 tuần tới.
Theo Chủ tịch Hà Nội, thời gian qua Thủ tướng đã chỉ đạo các biện pháp chống Covid-19 rất mạnh mẽ. Nếu bổ sung một số giải pháp, hy vọng 7 đến 10 ngày tới, sự lây lan của dịch bệnh sẽ được ngăn chặn. "Đề nghị Thủ tướng cho một số cơ quan hành chính ở Hà Nội và kể cả các tỉnh nghỉ", ông Chung nói, cho rằng khi không có nguy cơ lây lan ở những chỗ đông người, dịch sẽ "trở thành các đám cháy lốm đốm" và ngành y tế sẽ dập nhanh hơn.
Từ 0h ngày 28/3, Hà Nội đã dừng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, người lao động lại đổ về quê, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vì thế, ông Chung đề nghị Thủ tướng ra lệnh cấm người làm ở các nhà hàng, khách sạn, bán hàng ở phố cổ Hà Nội... về quê, phải ở lại nơi tạm trú.
Liên quan đến công tác thông tin ca dương tính, ông Chung cho biết, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cho phép CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính với Covid -19, vậy nên cho phép Hà Nội công bố. "Khi Hà Nội được công bố ca dương tính, Chủ tịch UBND phường ra quyết định cách ly các trường hợp F1, F2, người dân sẽ vui vẻ thực hiện ngay, tránh tình trạng Bộ chưa công bố, người dân chưa hợp tác như hiện nay", ông Chung nói.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế cho cơ chế để mua sắm thêm trang thiết bị chống dịch. Pháp 85 triệu dân đã có khoảng 17.000 máy thở và trong thời gian qua sản xuất thêm 10.000 chiếc. Đức 80 triệu dân, nhưng có đến 43.000 máy thở. Trong khi Hà Nội hiện chỉ có 260 máy thở và đang dùng cho cả bệnh nhân nặng của nhiều loại bệnh. Thành phố có kế hoạch mua thêm máy thở nhưng nguồn cung ít nên tối đa chỉ mua được thêm khoảng 100 cái.