Hạ nhiệt giá xăng dầu, cần giải pháp từ nhiều phía

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu xuống mức sàn để góp phần giảm đà tăng của mặt hàng này. Có ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, bên cạnh thuế BVMT, cần tính toán giảm các loại thuế khác, đồng thời, xem xét bài toán sản xuất xăng dầu trong nước ở các khía cạnh đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) và hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn để kìm hãm đà tăng giá mặt hàng này. Ảnh: Tường Lâm
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn để kìm hãm đà tăng giá mặt hàng này. Ảnh: Tường Lâm

Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó tập trung tìm nguồn cung dồi dào nhưng giá rẻ; giảm thuế; ngăn chặn buôn lậu, giảm thẩm lậu xăng dầu.

Về giảm thuế, Bộ Tài chính cho biết nếu giá tiếp tục tăng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết phù hợp, trước mắt là tiếp tục xin ý kiến giảm thuế BVMT. Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, đề xuất giảm từ 700 - 1.000 đồng/lít (kg) thuế BVMT đối với xăng, dầu (tùy loại) nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, xăng dự kiến giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay dự kiến giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel dự kiến giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg; mỡ nhờn dự kiến giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg; dầu hỏa dự kiến giữ 300 đồng/lít vì đây là mức sàn.

Theo cơ quan này, để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Do đó, để giảm giá xăng dầu thì phải bảo đảm chủ động, ổn định nguồn cung từ khai thác, sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính cho biết, trường hợp Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2022, ước giảm thu NSNN khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Về tác động thu NSNN do giá dầu thô tăng, theo Bộ Tài chính, nếu giá dầu thô ở mức 110 USD/thùng, tác động tăng thu NSNN khoảng 2.376 tỷ đồng/tháng; nếu giá dầu thô ở mức 120 USD/thùng, tác động tăng thu NSNN khoảng 2.644 tỷ đồng/tháng.

Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ nền kinh tế và người dân, giảm chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác. Các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng đầu vào là xăng dầu như vận tải, hàng không sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, thuế chiếm khoảng 38 - 42%. Do đó, trước sức ép giá xăng dầu thế giới tăng cao, không có cách nào khác ngoài việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.

Theo ông Long, mức giảm 700 - 1.000 đồng/lít (kg) có tác dụng, nhưng không đáng kể. Do đó, khi đã giảm kịch khung thuế BVMT mà giá thế giới vẫn tiếp tục tăng thì nên xem xét giảm các loại thuế khác. “Giảm thuế là sự đánh đổi giữa nguồn thu NSNN để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Long nói.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, trước mắt, để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu, bên cạnh giảm thuế BVMT có thể xem xét giảm các khoản thuế khác. Nếu ngân sách chịu giảm thu để hạ nhiệt giá xăng dầu thì có thể giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tích cực, từ đó góp phần tăng thu NSNN từ các khoản khác.

Ông Ánh cho rằng, cần xem xét số thu NSNN từ nhập khẩu xăng dầu, số thu ngân sách từ sản xuất, phân phối xăng dầu sản xuất trong nước. Tức là, xem xét cả lợi ích và thiệt thòi từ xăng dầu sản xuất trong nước đối với nguồn thu NSNN chứ không chỉ xem xét từ khía cạnh xăng dầu nhập khẩu.

Ở khía cạnh khác, theo ông Ánh, với 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước đến từ nguồn nhập khẩu, 70% còn lại được sản xuất trong nước, cần xem xét việc có thể sử dụng nguồn xăng dầu nhập khẩu trong nước để góp phần bình ổn giá mặt hàng này.

Chuyên đề