Hà Nam hoàn thiện quy hoạch chi tiết, đồng thời tạo cơ chế để thu hút các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Ảnh: Lê Tiên |
Báo Đấu thầu phỏng vấn ông Trương Quốc Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về những thành quả mà Hà Nam đã đạt được và cách tiếp cận của địa phương này trong thu hút đầu tư.
Tiếp nối những kết quả khá toàn diện đạt được trong hai năm 2016 - 2017, xin ông cho biết tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Hà Nam?
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 cơ bản giữ được ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (giá so sánh 2010) tăng 10,9%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) tăng 19,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,4%; thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 15,1% và đạt 80,9% dự toán trung ương giao, 78,8% dự toán địa phương…
Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt kết quả tốt. Từ đầu năm đến 30/9/2018, Hà Nam đã thu hút được 87 dự án đầu tư (37 dự án FDI và 50 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 330,4 triệu USD và 3.956,2 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 825 dự án đầu tư còn hiệu lực (244 dự án FDI và 581 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký 2.717,1 triệu USD và 104.756,3 tỷ đồng.
Với các kết quả này, chắc chắn năm 2018 tỉnh Hà Nam sẽ hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra.
Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, cách Hà Nội 54 km, sân bay quốc tế Nội Bài 80 km và cảng biển Hải Phòng 100 km.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của Tỉnh đang từng bước được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại. Hà Nam hiện có hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường bộ (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình…) và đường sắt Bắc Nam đi qua.
Thêm một điểm mạnh của Hà Nam là sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thể hiện qua sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ, sự điều hành sâu sát, quyết liệt của UBND Tỉnh, sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, đặc biệt là duy trì thực hiện nghiêm 10 cam kết của chính quyền tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đến đầu tư tại Hà Nam sẽ được hưởng các cơ chế ưu đãi tốt nhất theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư của Tỉnh để thu hút đầu tư.
Cụ thể, Tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp theo danh mục khuyến khích đầu tư; thực hiện Đề án đào tạo lao động ngành công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; giao Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyển lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu đầu tư tại Tỉnh bằng việc xây dựng nhà xưởng cho thuê tại các khu công nghiệp; thành lập các cơ quan hỗ trợ như: Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc (Korea Desk), Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản (Japan Desk).
Tỉnh cũng duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Trong thời gian tới, Hà Nam sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Đối với ngành công nghiệp, Hà Nam ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hướng mạnh thu hút nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, có vị trí đất dành riêng cho nhà đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ theo nhóm ngành nghề. Các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiên tiến, đảm bảo hiệu quả đầu tư được khuyến khích, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp như cơ khí chế tạo, lắp ráp, các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...
Cùng với sản xuất công nghiệp, Hà Nam cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng các sản phẩm rau, củ, quả sạch, trồng lúa công nghệ cao; chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm, đồ uống, sữa; chăn nuôi lợn sạch, bò sữa, bò thịt và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, thịt bò…
Hà Nam cũng chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: phát triển hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo… Hiện tại, TP. Phủ Lý đã được quy hoạch trở thành đô thị loại II trước năm 2020 và huyện Duy Tiên được quy hoạch phát triển trở thành đô thị loại IV vào năm 2020. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh quy hoạch chi tiết, đồng thời tạo cơ chế để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng đô thị, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, bệnh viện chất lượng cao, trung tâm thương mại, dịch vụ như: Quy hoạch và thu hút đầu tư vào Khu đại học Nam Cao với diện tích 754 ha; Khu trung tâm y tế chất lượng cao với diện tích 940 ha; Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc với diện tích hơn 5.000 ha.
Ngoài ra, Hà Nam cũng mời gọi đầu tư các dự án cung cấp nước sạch cho các khu công nghiệp, đô thị; xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung. Khuyến khích, kêu gọi đầu tư cảng ICD phục vụ xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa tại các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh và các địa phương lân cận.
Để phát triển bền vững, đảm bảo hoàn thành những mục tiêu chiến lược, định hướng đã đề ra, Hà Nam sẽ tiếp tục có những bước đi như thế nào, thưa ông?
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau:
Thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì nghiêm 10 cam kết của Tỉnh với các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định, lựa chọn dự án có hiệu quả, đảm bảo môi trường, khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước vào các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của Tỉnh, phù hợp với Nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững giai đoạn 2016 - 2025.
Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ theo hướng đưa Hà Nam trở thành trung tâm dịch vụ cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch. Đôn đốc hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trung tâm thương mại, Khu du lịch Tam Chúc, Khu đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao...
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, tư nhân hóa các dịch vụ công Nhà nước không cần nắm giữ chi phối. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án hoàn thành trong năm 2019.