Gói thầu mua vật tư tại Bệnh viện Nguyễn Trãi: Medifood phản đối quyết định cấm thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bệnh viện Nguyễn Trãi vừa ra quyết định cấm thầu 3 năm với Công ty TNHH Medifood vì cho rằng Nhà thầu có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ dự thầu (HSDT) Gói thầu Mua sắm vật tư hóa chất lần 3 phục vụ công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện. Nhà thầu cho rằng mình bị oan nên đã có văn bản kiến nghị tới người có thẩm quyền, đề nghị xem xét rút lại quyết định xử phạt.
Công ty TNHH Medifood bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) trong thời gian 3 năm. Ảnh: Quách Hoan
Công ty TNHH Medifood bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) trong thời gian 3 năm. Ảnh: Quách Hoan

Gói thầu nêu trên có giá 32,425 tỷ đồng, đóng thầu ngày 29/10/2024. Theo biên bản mở thầu, Lô 5 Vật tư khoa Chẩn đoán hình ảnh có 2 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Medifood, Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ Hợp Lực (gọi tắt là Hợp Lực). Cả hai nhà thầu cùng chào mặt hàng “dây nối dài tiêm tĩnh mạch dùng chụp CT bơm cản quang” có giấy ủy quyền của hãng sản xuất Shenzhen Antmed Co., Ltd. Giá dự thầu của Medifood thấp hơn 342 triệu đồng so với Hợp Lực.

Theo Bên mời thầu, HSDT của Medifood nêu hàng hóa dự thầu có “giấy ủy quyền của hãng sản xuất Shenzhen Antmed Co., Ltd cho Công ty TNHH Medifood ngày 18/7/2022”, nhưng tài liệu chứng minh đính kèm lại là Hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của thiết bị y tế loại B (gọi tắt là Hồ sơ TBYT) của Hợp Lực. Do đó, Bên mời thầu đề nghị Medifood làm rõ tính hợp lệ và đặc tính, thông số kỹ thuật của hàng hóa dự thầu để chứng minh khả năng cung cấp hàng hóa.

Làm rõ HSDT, Medifood đã bổ sung Hồ sơ TBYT của Công ty TNHH Medifood được phê duyệt ngày 30/11/2024 (sau thời điểm đóng thầu 1 ngày), đồng thời xác nhận có thể mua sắm hàng hóa từ nhiều nguồn, kể cả từ Hợp Lực để cung cấp cho Bệnh viện.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá HSDT, Bệnh viện Nguyễn Trãi nhận được Công văn số 2024-153/HSDT ngày 6/11/2024 của Hợp Lực làm rõ HSDT, trong đó thể hiện nội dung “xác nhận không ủy quyền và không cung cấp hàng hóa cho Medifood tham dự Gói thầu nếu Medifood trúng thầu”.

Từ các thông tin trên, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho rằng, Medifood đã có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong HSDT, nên ra Quyết định số 1933/QĐ-BVNT ngày 2/12/2024 về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện trong thời gian 3 năm đối với nhà thầu này.

Cho rằng bị oan, ngày 5/12/2024, Medifood đã gửi văn bản kiến nghị tới người có thẩm quyền đề nghị xem xét rút lại quyết định xử phạt này. Theo Medifood, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng của nhà thầu: “Không yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc của đại lý phân phối hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất hoặc của đại lý phân phối hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”. Do đó, trong HSDT, Medifood sử dụng Hồ sơ TBYT của Hợp Lực để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa mà không xin giấy ủy quyền của Hợp Lực.

“Nếu HSMT yêu cầu giấy ủy quyền thì Medifood đã trao đổi trước với Hợp Lực hoặc một đơn vị khác cũng là nhà nhập khẩu và có Hồ sơ TBYT (Shenzhen Antmed Co., Ltd không có nhà phân phối độc quyền) để xin giấy ủy quyền. Trước thời điểm đóng thầu, Medifood chỉ có giấy ủy quyền của nhà sản xuất, mà chưa có Hồ sơ TBYT được phê duyệt, nên đã sử dụng Hồ sơ TBYT của Hợp Lực. Tại văn bản làm rõ, Medifood mới bổ sung Hồ sơ TBYT để chứng minh khả năng cung cấp hàng hóa dự thầu (có thể tự nhập khẩu). Medifood đã sử dụng hàng hóa của Hợp Lực để chứng minh tính hợp lệ theo yêu cầu của HSMT, chứ không phải cố ý gian lận, cố ý sử dụng Hồ sơ TBYT khi chưa nhận được sự đồng ý của Hợp Lực. Nếu quy kết Nhà thầu có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong HSDT dẫn đến cấm thầu 3 năm là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và cơ hội tham dự thầu của Medifood sau này”, đại diện Medifood nhấn mạnh.

Bình luận về trường hợp này, chuyên gia đấu thầu cho rằng, nhà thầu có thể kiến nghị hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp này, Nhà thầu có đủ tư cách hợp lệ của hàng hóa tham dự thầu. Nguyên tắc đánh giá phải theo “đề bài” và HSDT. Nhà thầu không vi phạm điều cấm, bởi Luật Đấu thầu không cấm nhà thầu trúng thầu mua hàng hóa từ nhà thầu khác cùng tham dự thầu hoặc gom ở các đại lý khác nhau, miễn là cung cấp đúng chủng loại hàng hóa và hàng hóa đó bảo đảm quy định pháp luật (không phải hàng lậu, hàng giả…). Nếu nhà thầu không cung cấp đúng mặt hàng trúng thầu, chủ đầu tư có thể xử phạt vi phạm hợp đồng, tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với nhà thầu. “Nếu lo ngại rủi ro thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư cần lưu ý soạn thảo văn bản hợp đồng chặt chẽ và có thể tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng ở mức tối đa”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Chuyên đề