Chúng tôi xin nêu tình huống là:
Chúng tôi nhận được 3 HSDT, nhưng mỗi nhà thầu chào thầu cho một phần của gói thầu (cụ thể nhà thầu A chào cho phần 1, nhà thầu B chào cho phần 2, còn nhà thầu C chào cho phần 3). Trên bìa HSDT của từng nhà thầu đều ghi rõ tên của phần gói thầu mà nhà thầu tham dự. Vậy xin hỏi với tình huống này, chúng tôi sẽ phải xử lý như thế nào cho đúng pháp luật? (Xin chỉ rõ các căn cứ pháp luật cụ thể).
Trả lời:
Theo thông tin của bạn cung cấp thì đơn vị của bạn “đang có kế hoạch triển khai đấu thầu mua sắm một số chủng loại thiết bị”. Như vậy, hiểu rằng đơn vị của bạn đang xây dựng KHĐT, chứ không phải đang đánh giá HSDT. Bởi lẽ với cùng một vấn đề nhưng xảy ra ở thời điểm khác nhau thì các căn cứ và cách xử lý cũng khác nhau. Bạn nêu ra tình huống là có 3 HSDT, mỗi HSDT dự thầu cho một phần của HSMT (do HSMT cho phép nhà thầu có thể chào cho từng phần của gói thầu) như vậy tình huống xảy ra trong quá trình đánh giá HSDT (chứ không phải trong thời gian xây dựng KHĐT). Tuy nhiên, để bàn về cách xử lý đối với tình huống của bạn thì phải bàn về các căn cứ pháp lý cho việc đánh giá HSDT đó là HSMT, là KHĐT được duyệt. Điều này cũng giúp bạn có những lưu ý trong quá trình xây dựng KHĐT (trong đó có gói thầu chia thành nhiều phần) và xây dựng HSMT cho gói thầu đặc thù này, cụ thể như sau:
1. Về KHĐT
Khi bạn có một gói thầu gồm nhiều phần độc lập, riêng biệt, nghĩa là yêu cầu về kỹ thuật của phần này không có quan hệ khăng khít, chặt chẽ với phần khác của gói thầu thì cần nghĩ tới phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu trong một lần với một HSMT nhưng cho phép nhà thầu, tùy lựa chọn, có thể chào thầu cho một phần hoặc một vài phần hoặc toàn bộ gói thầu. Bằng cách này nhà thầu là các doanh nghiệp nhỏ (chỉ có khả năng chào thầu cho một phần) hoặc nhà thầu là doanh nghiệp lớn (đủ khả năng chào thầu cho cả gói) đều có thể tham gia đấu thầu, làm tăng tính cạnh tranh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gói thầu. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần độc lập thì cũng có thể chia thành nhiều gói để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo từng gói. Nhưng làm như vậy thì với gói thầu quá nhỏ có thể nhà thầu sẽ không hưởng ứng hoặc do có nhiều HSMT, dẫn đến làm tăng chi phí trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nhưng nếu gói thầu gồm nhiều phần độc lập nhưng trong HSMT yêu cầu nhà thầu tham gia phải chào cho toàn bộ gói thầu thì có thể một số nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ sẽ bị hạn chế tham gia bởi yếu tố năng lực.
Chính vì thế nên tại Khoản 4, Điều 6 Luật đấu thầu quy định: “Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần độc lập thì được thực hiện theo một hoặc nhiều hợp đồng”.
Quy định nêu trên của Luật mới chỉ là nguyên tắc chung cho phép áp dụng một cách lựa chọn nhà thầu mang tính đặc thù, song chưa đủ rõ về trình tự, thủ tục thực hiện. Do vậy, tại NĐ 85/CP (Điều 10) đã có quy định chi tiết cho trường hợp áp dụng phương pháp này ngay khi lập KHĐT, cụ thể như sau:
“Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt (nhiều lô), trong KHĐT cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần” (Khoản 1, Điều 10).
“Trường hợp gói thầu gồm nhiều lô thì nêu rõ giá trị ước tính cho từng phần trong giá gói thầu” (điểm c Khoản 2, Điều 10).
Như vậy, theo quy định, trường hợp bạn có một gói thầu gồm nhiều phần độc lập mà muốn tổ chức đấu thầu một lần với một HSMT cho phép nhà thầu chào thầu cho từng phần hoặc toàn bộ thì ngay trong KHĐT đã phải đề cập tới với những nội dung như nêu trên.
2. Về HSMT
Sau khi KHĐT được duyệt trong đó cho phép gói thầu được chia thành nhiều phần thì việc lập HSMT thực hiện dựa trên các Mẫu HSMT do Bộ KH&ĐT ban hành kèm theo các Thông tư. Đối với trường hợp mua thiết bị của bạn thì HSMT được lập căn cứ vào Mẫu HSMT MSHH ban hành kèm theo TT 05/BKH ngày 10/2/2010. Theo đó, tại Chương I Mục 11 Khoản 4 quy định:
“Trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và cho phép dự thầu theo từng phần như quy định trong BDL thì nhà thầu có thể chào cho một hoặc nhiều phần của gói thầu. Nhà thầu cần chào đủ các hạng mục trong một hoặc nhiều phần của gói thầu mà mình tham dự”.
Tiếp đó, tại Bảng dữ liệu (BDL) đấu thầu, đối với Khoản 4 Mục 11 Chương I của Mẫu HSMT liệt kê các phần của gói thầu và hướng dẫn nhà thầu cách tham dự cho từng phần của gói thầu. Nội dung quy định nêu trên của Mẫu HSMT MSHH là phù hợp với Khoản 4, Điều 70, NĐ 85/CP quy định về các nội dung cần lưu ý khi lập HSMT cho gói thầu được chia thành nhiều phần để nhà thầu tham gia có cơ sở tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình.
Như vậy, nội dung HSMT đối với gói thầu chia thành nhiều phần không khác gì HSMT đối với gói bình thường, nhưng chỉ khác ở chỗ quy định chi tiết về cách đánh giá HSDT, xét chọn nhà thầu cũng như trách nhiệm của nhà thầu khi tham gia chào thầu là cho từng phần của gói thầu.
3. Về lựa chọn Nhà thầu
Qua thông tin được bạn cung cấp thấy như sau:
Nhà thầu dù chào một phần (trong ba phần thuộc gói thầu) thì đó cũng là một HSDT. Do vậy, khi có từ 3 HSDT nộp trước thời điểm đóng thầu thì việc mở thầu, đánh giá HSDT thực hiện bình thường theo quy định, chỉ khi có ít hơn 3 HSDT nộp tại thời điểm đóng thầu thì mới là tình huống được xử lý theo Khoản 3 Điều 70 NĐ 85/CP.
Việc đánh giá HSDT được quy định trong HSMT, cụ thể đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá (TCĐG) cho từng phần riêng rẽ do bản chất của gói thầu gồm các phần độc lập với nhau.
Trường hợp chọn được nhà thầu đáp ứng về mặt kỹ thuật đối với từng phần của HSMT mà tổng giá đề nghị trúng thầu (đối với cả 3 phần) không vượt giá gói thầu (cho toàn bộ gói thầu) thì đủ điều kiện để đề nghị trúng thầu cho cả gói.
Trường hợp trong tình huống của bạn chỉ có ít hơn ba phần tìm được nhà thầu trúng thầu thì xử lý tình huống này căn cứ Khoản 4 Điều 70 NĐ 85/CP.
Tóm lại, để có đủ cơ sở xử lý tình huống khi đánh giá HSDT trong trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần thì ngay từ trong KHĐT phải đề cập đến, tiếp đó trong HSMT phải cụ thể hóa các nội dung liên quan tới việc chào thầu, đánh giá đối với từng phần. Cuối cùng cần nhớ rằng việc đánh giá HSDT tiến hành theo từng phần riêng rẽ, nhưng kết quả đấu thầu là xét cho toàn bộ gói thầu. Trường hợp điều kiện trúng thầu cho toàn bộ gói thầu không đạt được thì xử lý tình huống theo quy định tại Khoản 4 Điều 70 NĐ 85/CP. Rõ ràng các quy định nằm rải rác, không tập trung nên một khi bạn đủ khả năng liên kết được các quy định thuộc Luật, Nghị định, Thông tư thì việc xử lý tình huống sẽ không đến nỗi phức tạp.