Gỡ vướng thủ tục cấp phép khai thác vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng khan hiếm vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam. Trong khi các dự án giao thông lớn có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng, các mỏ phải chờ địa phương cấp phép khai thác.
Thủ tục phức tạp là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà tham gia đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục phức tạp là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà tham gia đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Ảnh: Lê Tiên

Hai năm và hơn 40 con dấu cho thủ tục khai thác mỏ?

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một doanh nghiệp kinh doanh mỏ đất, đá tại Đồng Nai cho biết, theo quy định, thời gian cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp thông thường phải mất 18 tháng, thậm chí là 2 năm. Gần đây, theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai về việc rút ngắn thời gian cấp phép nhằm phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn, các sở, ngành đã họp bàn và đi đến thống nhất giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, thời gian để được cấp phép khai thác mỏ đất đối với khu vực đấu giá hiện vẫn tối thiểu là 254 ngày, tối đa là 786 ngày. Thời gian cấp phép dù đã rút ngắn, nhưng vẫn không hấp dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xin cấp phép”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Một số doanh nghiệp chia sẻ, để có được giấy phép khai thác mỏ đất, doanh nghiệp phải có đủ khoảng 40 con dấu, từ cấp xã, huyện đến tỉnh. Doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, nghiên cứu các mỏ, sau đó gửi hồ sơ xin khai thác đến huyện. Huyện sẽ chỉ đạo xã họp dân, các hội trong xã. Nếu đạt được sự đồng thuận, xã sẽ gửi hồ sơ lên huyện. Từ đây, các phòng chuyên môn của huyện sẽ họp và thống nhất trình hồ sơ lên UBND tỉnh. Tỉnh lại gửi hồ sơ để các sở, ngành liên quan tham mưu. Các sở, ngành gửi hồ sơ ngược lại huyện xác nhận các thông tin để có cơ sở tham mưu… Mỗi thủ tục có khi phải qua 4 - 5 lần họp, mỗi lần cách nhau 2 - 3 tuần thì phải 2 năm doanh nghiệp mới có đủ hồ sơ cấp phép.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Đây là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà tham gia đầu tư khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận, quy định về trình tự hồ sơ thủ tục cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản còn rườm rà, kéo dài, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác quy mô hộ gia đình phục vụ cho xây dựng các công trình có quy mô nhỏ, san nền nhà ở cho dân tại chỗ. Trong các trường hợp này, nếu lập thủ tục xin cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định thì sẽ không đủ điều kiện, mất thời gian, đôi khi làm chậm tiến độ thi công công trình.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số quy định của pháp luật về khoáng sản chưa phù hợp, còn bất cập với điều kiện thực tế. Việc thiếu và chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành gây khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương. Việc quản lý tài nguyên khoáng sản được giao cho nhiều ngành và được quy định bởi nhiều pháp luật có liên quan (Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Thuế tài nguyên...) còn nhiều bất cập và thường xuyên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nên phần nào hạn chế hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý.

Điều chỉnh để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà thầu

Trước tình trạng các nhà thầu tại dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Long Thành - Phan Thiết… điêu đứng vì không thể tìm được nguồn cung cấp vật liệu, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp.

Ngoài đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép khai thác vật liệu san lấp, tỉnh Đồng Nai cũng mong muốn các bộ, ngành liên quan rà soát, bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất quy định về cấp giấy phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn bảo đảm việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn khai thác.

Trước tình trạng nhiều dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan đánh giá và sớm có giải pháp phù hợp.

Chuyên đề