Tuy vấn đề chưa thể giải quyết hoàn toàn như mong đợi, nhưng những gì đạt được đã giúp chủ đầu tư này có thêm “cửa sống”. Ảnh: Gia An |
Trút dần những gánh nặng
Điển hình cho nhóm doanh nghiệp này đầu tiên phải kể đến là Công ty CP Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) khi các đại dự án ở Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM đều đồng loạt được tháo gỡ. Tuy vấn đề chưa thể giải quyết hoàn toàn như mong đợi, nhưng những gì đạt được đã giúp chủ đầu tư này có thêm "cửa sống".
Cụ thể, ở Đồng Nai, ngày 14/11/2023, UBND tỉnh này đã ban hành 2 quyết định giao đất thuộc phân khu 1, phân khu 2 của Khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng thuộc Dự án Aqua City tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang và Novaland để tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có văn bản xác nhận 752 căn nhà ở thấp tầng tại Aqua City của Novaland đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Aqua City là dự án trọng điểm của Novaland, song đang gặp nhiều vướng mắc pháp lý. Hiện Novaland đang xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 trên cơ sở giữ nguyên các chỉ tiêu được phê duyệt. Nếu mọi chuyện thông suốt sớm, tập đoàn này sẽ bổ sung thêm nguồn thu hơn 70.000 tỷ đồng theo tiến độ từ khách hàng tại dự án này.
Tương tự, ở Bình Thuận, "siêu dự án" NovaWorld Phan Thiết cũng đã hoàn tất phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ các hạng mục cho cả dự án. Hiện Tỉnh đang tiến hành cho điều chỉnh hình thức từ trả tiền thuê đất hằng năm sang trả một lần tại dự án này.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện Dự án NovaWorld Hồ Tràm cơ bản các vướng mắc đều có hướng xử lý và đã hoàn thành một số thủ tục cơ bản.
Riêng ở TP.HCM, dự án chung cư 100 Cô Giang (tên thương mại The Grand Manhattan) và dự án 32 ha Bình Khánh (tên thương mại The Water Bay) được UBND TP.HCM ưu tiên tháo gỡ vướng mắc từ đầu năm 2023. Hiện Novaland chờ kết luận từ TP.HCM nhằm tháo gỡ những khó khăn pháp lý cuối cùng.
Ngoài Novaland, thời gian qua, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án, bao gồm: Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP.Thủ Đức), 8X Đầm Sen (quận Tân Phú), dự án Đất Phương Nam (tên thương mại Moonlight Avenue, ở TP.Thủ Đức) và dự án Vĩnh Tiến (tên thương mại Moonlight Centre Point, ở quận Bình Tân).
Đáng lưu ý, trong danh sách các dự án được gỡ vướng, có những dự án kéo dài nhiều năm của các chủ đầu tư lớn trong ngành chưa được cấp sổ như Vingroup, Phát Đạt, Him Lam, Gotec Land, Đất Xanh, Gamuda Land, Sài Gòn Thương Tín… Điều này cũng đồng nghĩa, không những chủ đầu tư mà cả khách hàng mua nhà cũng đã trút đi được nhiều gánh nặng.
Cần giải pháp mạnh mẽ hơn
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường bất động sản đến nay vẫn còn tới gần 800 dự án vướng mắc pháp lý đang chờ được tháo gỡ. Thời gian qua, Tổ công tác đã trực tiếp làm việc với 6 địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai) và nhiều doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án.
Đến nay, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án so với số lượng 712 dự án ban đầu và đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Tại TP.HCM, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án so với số lượng 180 dự án ban đầu, trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Ở Đồng Nai, Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn đối với 7 dự án lớn, xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND Tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các động thái hỗ trợ từ Chính phủ giúp tăng trưởng nguồn cung và thúc đẩy thị trường căn hộ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không thống nhất, đồng bộ.
Từ đó, đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn và không thể triển khai dự án theo đúng như tiến độ đã đề ra. Điều này khiến cho dự án kéo dài thời gian thi công, dẫn đến nhiều chi phí phát sinh và khách hàng không nhận được nhà, đất như cam kết trong hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, dù "cửa sống" đã nhiều hơn, nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, bởi đối với hồ sơ pháp lý bất động sản, nếu còn một khâu tắc thì mọi chuyện khác bị liên đới. Cho nên, rất cần sự rốt ráo trong khâu xử lý của các cơ quan chức năng liên quan.
Nói như TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cần sớm có giải pháp mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn và cần tập trung ở cả cung và cầu làm sao để thị trường bất động sản phục hồi mạnh trong năm 2024, cùng với việc củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tới. Bởi thị trường bất động sản đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và đóng góp gián tiếp thêm khoảng 2 - 3% vào tăng trưởng kinh tế.