Chiếc khẩu trang bé nhỏ đã trở thành sản phẩm cứu cánh cho ngành dệt may trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Việt Trần |
Trước lúng túng của doanh nghiệp (DN), chiều 4/5, Hội thảo trực tuyến Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19 với chủ đề: “Giải đáp quy định về CE và FDA” được tổ chức.
Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, giữa lúc chịu cú sốc kép từ việc đứt nguồn cung nguyên liệu cho đến việc khách mua liên tiếp giãn, hoãn đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiếc khẩu trang bé nhỏ đã trở thành sản phẩm cứu cánh cho ngành dệt may. Tuy nhiên, đây là mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn cho người sử dụng, do đó, các nước nhập khẩu đều đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ. Các DN xuất khẩu mặt hàng này cần hết sức lưu ý để tránh thiệt hại đáng tiếc.
Nhận định về việc xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân vào thị trường Hoa Kỳ, EU…, các ý kiến khác cũng cho rằng, đây là những thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, vừa qua, Việt Nam mới xuất khẩu chủ yếu là khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn, còn khẩu trang y tế chưa xuất khẩu được nhiều. Để xuất khẩu được sản phẩm này vào các thị trường trên, DN cần hết sức lưu ý những quy định của nước nhập khẩu. Đặc biệt, trước cơ hội mở ra từ Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, nhiều DN xuất khẩu đang lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không...
Theo ông Long, để được gắn dấu CE cho một sản phẩm, DN phải trải qua 6 bước thực hiện như: Xác định các chỉ thị áp dụng và tiêu chuẩn liên quan; xác định yêu cầu cụ thể sản phẩm (xác định cấp, đánh giá rủi ro, thiết kế sản phẩm, vật liệu chế tạo); đánh giá sự phù hợp...
Tương tự, đề cập về chứng nhận FDA để xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia đánh giá trưởng QUACERT cũng lưu ý, đây không phải là câu chuyện đơn giản, DN có sự chuẩn bị thực sự bài bản thì mới có thể đem hàng vào thị trường này một cách lâu dài.
Để biết DN có phải diện đăng ký FDA hay không, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ, DN cần xem xét sản phẩm xuất khẩu của mình có thuộc nhóm phải đăng ký FDA hay không. Nếu phải đăng ký thì cần thực hiện trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, còn không thì phải thực hiện các thông báo nhằm tuân thủ quy định…