Bộ Y tế đã liên tục điều động nguồn lực từ các bệnh viện ở tuyến trung ương và Hà Nội ứng cứu, hỗ trợ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM. Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Theo Đề án Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, Bộ Y tế dự kiến thiết lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia.
Trước đó, Bộ Y tế đã liên tục điều động nguồn lực từ các bệnh viện ở tuyến trung ương và Hà Nội ứng cứu, hỗ trợ thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, 2 trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng vào ngày 5/8.
Tại Hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng chống Covid-19 ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần chuẩn bị sẵn năng lực, chủ động ứng phó với dịch, trong đó cần nhanh chóng thiết lập các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực... để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị những ca bệnh nặng trong bối cảnh chủng Delta sẽ lây lan mạnh, rộng, khó kiểm soát và kéo dài. Hiện một số tỉnh, thành phố đang gấp rút triển khai xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang...
Như vậy, có thể thấy, nhu cầu trang thiết bị, vật tư... đáp ứng nhanh chóng và kịp thời cho các trung tâm hồi sức cấp cứu và bệnh viện dã chiến trong thời điểm hiện nay là rất lớn.
Theo một số DN cung ứng hàng hóa, trang thiết bị điều trị và phòng chống Covid-19 (kể cả nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu), DN đang gặp một số khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa để có thể giao hàng đúng thời hạn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một DN sản xuất trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế cho biết, để giao hàng từ Bắc vào Nam thì phải đi qua nhiều chốt chống dịch, và phải đăng ký “luồng xanh”, có kết quả xét nghiệm trong vòng 3 ngày. Ngoài việc chi trả xét nghiệm cho các tài xế, DN còn phải gánh chịu thêm chi phí gia tăng của dịch vụ vận chuyển, chuyển phát (tăng khoảng 10%). Có thời điểm, DN còn không thuê được tài xế, vì không ít lái xe sợ dịch, giao hàng xong phải cách ly tập trung, nên chọn cung đường ngắn, ngay trong địa phương.
Do trang thiết bị phòng chống dịch là hàng hóa thiết yếu và vô cùng cấp bách, nên một số DN kiến nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách đặc thù thống nhất xuyên suốt để khối DN này lưu thông hàng hóa nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu chống dịch. Không chỉ ưu tiên cho thành phẩm, mà cần tạo điều kiện cho vận chuyển nguyên vật liệu.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tình trạng ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ vẫn xảy ra như tại Hải Phòng, Kon Tum... Nhiều nơi, dù lái xe có Giấy nhận diện QRcode và Giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 nhưng vẫn phải dừng nhiều lần. Một số địa phương không phân làn riêng cho các xe đi qua địa bàn, hoặc chậm thông báo... có nơi phải chờ tới 10 tiếng mới được đi qua.
Theo Công ty CP NIPPON SANSO Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản), oxy là mặt hàng cần thiết, phải vận chuyển nhanh cho các cơ sở y tế. Với các thiết bị đang có, ngay trong thời điểm hiện nay, Công ty có thể thi công, cung cấp được cho 9 cơ sở điều trị gồm cả bồn chứa oxy, giàn hóa hơi, bộ điều áp. Công ty còn có khả năng sản xuất và vận chuyển gấp nhiều số lượng trên, nhưng do thiếu thiết bị, nên sản lượng cung cấp còn giới hạn. Do đó, để khắc phục khó khăn này, Công ty kiến nghị chính quyền các địa phương, nơi có các cơ sở y tế đặt hàng oxy cần tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ để ưu tiên cho xe vận chuyển oxy qua các chốt kiểm dịch. Công ty cũng đề xuất ngành y tế sớm bố trí tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động để họ an tâm làm việc.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)