Gỡ bỏ rào cản để đẩy mạnh thoái vốn

(BĐT) - Dưới góc nhìn của một tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây diễn ra chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn, Tuy nhiên, dù không đạt về số lượng nhưng việc thoái vốn nhà nước dần đi vào thực chất và có chiều sâu hơn.
Sabeco là một trong những thương vụ thoái vốn thành công năm 2017
Sabeco là một trong những thương vụ thoái vốn thành công năm 2017

Thoái vốn nhà nước vẫn chậm

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Trong đó, năm 2017 thực hiện thoái vốn tại 135 DN; năm 2018 thực hiện tại 181 DN; năm 2019 thực hiện tại 62 DN; năm 2020 thực hiện tại 28 DN. Kết quả giai đoạn từ năm 2016 - tháng 9/2018, cả nước đã thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng.

Cũng theo quyết định nêu trên, danh mục DN thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017 - 2020 là 62 DN với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng để SCIC thực hiện thoái vốn. Trong đó bao gồm 1 tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Dệt may Việt Nam với giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng); 6 tổng công ty (TCT) gồm: TCT Thép Việt Nam với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng; TCT Xây dựng đường thủy - CTCP; TCT Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP; TCT Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP; TCT Licogi - CTCP; TCT Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2018, kết quả chuyển giao vốn nhà nước theo Quyết định 1232/QĐ-TTg còn chậm.

Cụ thể, các bộ, ngành, UBND các tỉnh mới chỉ hoàn thành chuyển giao 25/62 DN với tổng vốn nhà nước là 953,28 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.365 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 DN về SCIC với số vốn nhà nước là 821.28 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2018 chuyển giao 4 DN về SCIC với số vốn nhà nước là 132 tỷ đồng.

Số DN chưa chuyển giao gồm 37 DN với tổng số vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.721 tỷ đồng tại 5 bộ và 8 UBND tỉnh, thành phố.

Dưới góc nhìn của tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho rằng, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhưng do nhiều nguyên nhân nên quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Mặc dù không đạt về số lượng nhưng theo ông Lai, việc thoái vốn nhà nước đã đi vào thực chất và có chiều sâu hơn.

Gỡ bỏ nhiều rào cản

Có nhiều rào cản, vướng mắc trong quá trình thoái vốn mà theo ông Lê Song Lai là có liên quan đến quy định pháp luật còn chồng chéo tại nhiều văn bản; các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các DN nhà nước thường xuyên phải lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Công tác lập kế hoạch thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Các DN bán vốn không có nhiều lựa chọn với tư cách một nhà đầu tư khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm mà DN bán vốn. Điều này dẫn đến việc thoái vốn tại những DN có hiệu quả cao để sau đó sử dụng số tiền thu về tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những DN/dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do DN đó không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ lâu dài.

Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối (trên 51%) tại DN cũng làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước chào bán. DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài, không có lợi thế về đất đai; giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư; phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc, thời điểm bán vốn không phù hợp… là những tồn tại, vướng mắc mà DN thoái vốn gặp phải.

Để thúc đẩy quá trình thoái vốn, ông Lê Song Lai đề xuất, xem xét bổ sung quy định về cơ chế hạ giá khởi điểm trong trường hợp đã thực hiện các phương thức bán theo trình tự đấu giá/chào bán cạnh tranh/thỏa thuận nhưng không thành công; bổ sung quy định về việc được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá trong trường hợp DN sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá.

Bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư; bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần nhằm bán hết cổ phần nhà nước tại DN, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua một phần dẫn đến số cổ phần còn lại khó bán hoặc không bán được ở giá hợp lý.

Đại diện SCIC cho rằng, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn với việc thu hồi nợ theo hướng, việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên (cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN).

Ông Lê Song Lai còn đề xuất cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC, VAMC) để tạo điều kiện cho những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các DN theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho các tổ chức mua bán nợ này.

Chuyên đề