Công ty CP Giấy An Hòa phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thuê chuyên gia và thay thế công nghệ xử lý nước thải mà Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã thiết kế |
Công ty An Hòa cho biết, trong trường hợp có yêu cầu, Công ty sẽ báo cáo với Chính phủ và các bộ, ngành để giải quyết và làm sáng tỏ các vấn đề liên quan.
Để triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy An Hòa, năm 2006 Công ty An Hòa và Marubeni đã ký Hợp đồng tổng thầu thiết bị số 6888/AH-MC với giá trị lên đến hơn 134 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2006). Đây là dự án sử dụng nguồn vốn tín dụng được bảo lãnh bởi Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, Công ty An Hòa cho rằng Marubeni đã có nhiều sai phạm về thời hạn cung cấp các bản vẽ thiết kế công nghệ, xuất xứ của máy móc, thiết bị và xây dựng hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo an toàn cho môi trường. Cụ thể, liên quan đến bản vẽ thiết kế công nghệ, Marubeni đã giao các bản vẽ thiết kế chậm đến 29 tháng, thậm chí một số bản vẽ sửa đổi chậm đến 39 tháng theo quy định của Hợp đồng. Vì vậy, vi phạm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và mục tiêu của Dự án.
Đặc biệt, về xuất xứ máy móc thiết bị của Dự án, Công ty An Hòa cho biết, Marubeni đã cố ý thay đổi các thiết bị máy chính của dây chuyền có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu sang các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số thiết bị nhập về không phải hàng mới 100%. Chính vì điều này mà Công ty An Hòa đã bị hải quan từ chối cho thông quan. Công ty An Hòa đã ký thỏa thuận hợp thức hóa cho việc thay đổi này để tránh ảnh hưởng tới tiến độ và mục tiêu của Dự án. Do sự thay đổi của sản phẩm so với dự kiến ban đầu nên trong quá trình vận hành Nhà máy, máy móc liên tục hỏng hóc, phải tiến hành sửa chữa, công suất và chất lượng Nhà máy không đạt được như dự kiến ban đầu.
Công ty An Hòa cho rằng, Marubeni tư vấn và thiết kế cho Công ty công nghệ xử lý nước thải của Nhà máy ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cụ thể, Marubeni thiết kế công nghệ xử lý nước thải với mức chi phí thấp bằng cách pha loãng nước thải nhằm làm giảm nồng độ chất thải xuống mức cho phép. Theo Công ty An Hòa, Công ty đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thuê chuyên gia và thay thế công nghệ xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường.
Ngoài ra, Công ty An Hòa cho biết, trong suốt quá trình lắp đặt máy móc, thiết bị, Giám đốc dự án của Marubeni không có mặt tại công trường để điều phối và điều hành công việc. Điều này đã vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng. Đồng thời, Marubeni đã chạy thử không đúng quy định và không thể tiến hành chạy nghiệm thu.
Trong khi hai bên đang trong quá trình thương lượng, Marubeni đã vô hiệu hóa các quyền lợi hợp pháp của Công ty An Hòa bằng việc yêu cầu Tòa án quận Tokyo ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hai ngân hàng gồm Công ty TNHH Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) và Công ty TNHH Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) thực hiện việc thanh toán tiền bảo lãnh cho Công ty An Hòa. Hành vi này của Marubeni đã phá vỡ cam kết giữa hai bên trong Hợp đồng. Công ty An Hòa đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 14/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý. Ngoài ra, Công ty An Hòa đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang và đã được Tòa án chấp nhận thụ lý.
Báo Đấu thầu đã liên hệ với Công ty An Hòa, được biết, Nhà máy của Công ty hiện tại vẫn đang hoạt động sản xuất tốt.
Trao đổi với Marubeni, công ty này cho biết, cáo buộc của Công ty An Hòa về Marubeni vi phạm hợp đồng giữa hai bên là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, Marubeni cho biết, Marubeni và Công ty An Hòa đã có những cam kết bảo mật mà không cho phép cả hai công ty cung cấp các thông tin, nên không thể trả lời các câu hỏi của Báo Đấu thầu.